Hiệu quả tích cực từ mô hình 'Trường học hạnh phúc' tại Hà Nội

17/11/2024 11:47 AM

(Chinhphu.vn) - Nhằm xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai "Trường học hạnh phúc" tại các cơ sở giáo dục. Mô hình này đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực với những sáng tạo riêng có và phù hợp với thực tế.

Hiệu quả tích cực từ mô hình 'Trường học hạnh phúc' tại Hà Nội- Ảnh 1.

Các cơ sở giáo dục đã tăng cường mở các lớp học về kỹ năng sống và những chương trình giáo dục đặc biệt nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện hơn. Ảnh: VGP/Minh Anh

Nâng cao văn hóa ứng xử, phát triển học sinh toàn diện

Năm học 2023 - 2024, toàn Thành phố Hà Nội có 2.874 trường mầm non, phổ thông; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên và 1 Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội, với trên 66 nghìn lớp, trên 2,2 triệu học sinh, trên 124 nghìn giáo viên.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1468 ngày 11/6/2024 về Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" và Kế hoạch số 2245 về xây dựng "Trường học hạnh phúc" đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố.

Hiệu quả tích cực từ mô hình 'Trường học hạnh phúc' tại Hà Nội- Ảnh 2.

Ngày 19/10/2024, Lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô thực hiện nghi thức phát động đẩy mạnh thi đua xây dựng trường học hạnh phúc năm học 2024-2025. Ảnh: VGP/Minh Anh

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, trên cơ sở Kế hoạch và Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" do Sở ban hành, các cơ sở giáo dục của Thành phố đã xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên và học sinh về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của xây dựng "Trường học hạnh phúc", xây dựng văn hóa ứng xử trong cán bộ, giáo viên và học sinh.

Mục tiêu của giải pháp này là tăng cường nâng cao nhận thức, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Giải pháp này còn góp phần tạo lập các chuẩn mực về đạo đức và ứng xử của cán bộ, nhà giáo khi thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ với đồng nghiệp, với học sinh, với phụ huynh học sinh và trong quan hệ xã hội.

"Đây cũng là căn cứ để nhà trường xử lý trách nhiệm khi cán bộ, viên chức vi phạm các chuẩn mực đạo đức và xử sự trong thực hiện nhiệm vụ, trong các mối quan hệ công tác, đồng thời là căn cứ để đánh giá, xếp loại và giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của cán bộ, viên chức", ông Trần Thế Cương chia sẻ.

Cũng theo ông Cương, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo các nhà trường quan tâm giáo dục không chỉ tập trung vào các hoạt động dạy học mà còn phải khuyến khích phát triển tinh thần, sự tự tin và năng lực xã hội của học sinh. Chính vì vậy các cơ sở giáo dục đã tăng cường các sân chơi bổ ích, các hoạt động ngoại khóa, các lớp học về kỹ năng sống và những chương trình giáo dục đặc biệt nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện hơn.

Bên cạnh đó, việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh cũng được các nhà trường quan tâm, thay đổi cách nhìn nhận, giáo dục học sinh. Các nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động, thầy cô giáo còn là nhà tâm lý, nhà giáo dục, người truyền cảm hứng. Thầy cô giáo "Chăm lo tới từng học sinh, giúp mỗi học sinh đều tiến bộ", giúp học sinh khám phá bản thân, phát huy và phát triển khả năng riêng biệt, nổi trội của mỗi học sinh.

"Tất cả cùng hướng đến mục tiêu thầy cô thay đổi, thấy cô hạnh phúc, học sinh thay đổi học sinh hạnh phúc, gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhấn mạnh.

Đổi mới phương pháp dạy học và quản lý

Hiệu quả tích cực từ mô hình 'Trường học hạnh phúc' tại Hà Nội- Ảnh 3.

"Trường học hạnh phúc" là mô hình có nhiều đổi mới trong phương pháp giảng dạy và học tập, sử dụng công nghệ và khuyến khích học sinh sáng tạo. Ảnh: VGP/Minh Anh

Để xây dựng "Trường học hạnh phúc" cần có sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy và học tập, sử dụng công nghệ, áp dụng phương pháp dạy học linh hoạt và khuyến khích sáng tạo để giúp học sinh hứng thú hơn và có kết quả học tập tốt hơn đúng với tỉnh thần Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, chuyển giáo dục từ chủ yếu là cung cấp kiến thức sang nền giáo dục nhằm hình thành phẩm chất, phát triển năng lực người học.

Bên cạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo thay đổi cách quản lý, ứng xử trong nhà trường, đó là thay đổi thái độ giữa thầy cô và học trò, giữa thầy cô với cha mẹ học sinh, giữa cán bộ quản lý với giáo viên và học sinh... tạo ra nguồn năng lượng mới giúp thày cô giáo, học sinh thay đổi, làm thay đổi diện mạo giáo dục của một nhà trường.

Ông Trần Thế Cương cho biết thêm, với sự nỗ lực cố gắng của tập thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn ngành trong việc xây dựng "Trường học hạnh phúc" nhằm xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có nhiều khởi sắc với những kết quả đạt được toàn diện ở các cấp học, ngành học.

Hiệu quả tích cực từ mô hình 'Trường học hạnh phúc' tại Hà Nội- Ảnh 4.
Hiệu quả tích cực từ mô hình 'Trường học hạnh phúc' tại Hà Nội- Ảnh 5.

Việc xây dựng "Trường học hạnh phúc" đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh Thành phố. Ảnh: VGP/Minh Anh

Công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn Thành phố được tăng cường. Công tác tham mưu về cơ chế chính sách được thực hiện chủ động. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố thông qua 09 Nghị quyết tại kỳ họp HĐND Thành phố, trong đó có những nội dung mới, là đơn vị đầu tiên của cả nước tham mưu và thực hiện các Nghị quyết này như: Quy định giá dịch vụ giáo dục tạm thời để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập sử dụng ngân sách nhà nước của Thành phố; Quy định chế độ hỗ trợ đối với nhà giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nhà giáo Nhân dân", "Nhà giáo Ưu tú" của thành phố Hà Nội...

Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên. Sở đã tổ chức công khai, minh bạch kỳ tuyển dụng viên chức làm việc tại các trường, cơ sở giáo dục thuộc thành phố quản lý (tuyển dụng được 1.038 viên chức). Tham mưu UBND Thành phố trình Hội đồng xét tặng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng 1 "Nhà giáo Nhân dân" và 56 "Nhà giáo ưu tú" cho các nhà giáo thuộc thành phố Hà Nội.

Cùng với đó, chất lượng giáo dục đại trà được quan tâm; triển khai thực hiện bài bản, khoa học, hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong xã hội như: Phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm"; phong trào "Tiếng trống học bài"; triển khai chương trình ôn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông trên ứng dụng HANOI ON và phát sóng trên kênh H2 của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.

Năm 2024, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông chung toàn Thành phố đạt 99,8% (đứng thứ 12 toàn quốc và tăng 4 bậc so với năm 2023). Học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế.

Công tác giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục, triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn, phòng, chống dịch bệnh trong trường học, xây dựng "Trường học hạnh phúc" được quan tâm. Tổ chức thành công: Liên hoan hợp xướng học sinh phổ thông thành phố Hà Nội năm 2024; Hội khỏe Phù Đổng thành phố Hà Nội lần thứ 10 năm 2024. Trong năm học 2023 - 2024, Thành phố đã tổ chức kết nạp đảng cho 136 học sinh tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố.

Với những kết quả toàn diện đã đạt được, sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo Thủ đô được Thành phố ghi nhận, bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2023. Sở Giáo dục và Đào tạo được UBND Thành phố tặng Cờ Thi đua xuất sắc.

Từ những hiệu quả tích cực mang lại nêu trên, trong những năm học tới, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục xác định xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc" là một nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện mục tiêu, lý tưởng và là một điểm nhấn trong triết lý giáo dục hiện đại nhằm xây dựng một môi trường văn hóa học đường lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh Thủ đô.

Minh Anh

Top