Hiệu quả từ kinh tế tuần hoàn trong nuôi trồng thủy sản

28/11/2024 5:09 PM

(Chinhphu.vn) - Kinh tế tuần hoàn là một chiến lược phát triển bền vững, nhấn mạnh việc tái sử dụng tài nguyên và giảm thiểu lãng phí. Trong lĩnh vực thủy sản, kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiểu tác động môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hiệu quả từ kinh tế tuần hoàn trong nuôi trồng thủy sản- Ảnh 1.

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hướng dẫn người dân nuôi cá tại huyện Mỹ Đức. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo ông Hà Tiến Nghi, Phó Chi cục trưởng Chi cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội, mô hình cá - lúa là một ví dụ điển hình cho kinh tế tuần hoàn, đã được triển khai thành công ở nhiều vùng tại Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình này tại Hà Nội cần được khảo nghiệm xem xét thông qua xây dựng mô hình, dự án và tổ chức triển khai.

Mô hình cá - lúa là sự kết hợp giữa trồng lúa và nuôi cá trong cùng một hệ thống. Cá nuôi trong các ruộng lúa giúp kiểm soát sâu bệnh và cung cấp phân bón tự nhiên cho lúa. Ngược lại, cây lúa cung cấp môi trường sống lý tưởng cho cá. Mô hình này không chỉ tăng cường sản lượng nông nghiệp mà còn giúp bảo vệ môi trường, giảm sử dụng hóa chất và cải thiện chất lượng đất và nước.

Một ví dụ khác về kinh tế tuần hoàn trong thủy sản là mô hình nuôi cá - lúa tại các vùng ven biển như Cà Mau, mô hình này đã giúp giảm lượng nước mặn xâm nhập, đồng thời tăng sản lượng cả tôm và lúa. Tôm nuôi trong các ruộng lúa giúp cải tạo đất, kiểm soát sâu bệnh giảm nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu. Ngược lại, lúa giúp tạo môi trường nước ngọt cho tôm phát triển tốt hơn.

Hay mô hình nuôi cá - bèo - lúa tại các vùng đồng bằng sông Cửu Long như tỉnh An Giang, nông dân đã kết hợp nuôi cá trong các ruộng lúa, sử dụng bèo làm thức ăn cho cá và phân hữu cơ từ cá để bón cho lúa. Mô hình này không chỉ tăng cường năng suất mà còn giúp cải thiện môi trường nước và đất, đồng thời giảm sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học.

Việc áp dụng mô hình cá - lúa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào việc giảm phát thải khí nhà kính. Bằng cách sử dụng phân bón tự nhiên từ cá nhu cầu sử dụng phân bón hóa học giảm, từ đó giảm lượng khí nhà kính phát thải từ quá trình sản xuất và sử dụng phân bón. Hơn nữa, mô hình này giúp tăng khả năng hấp thụ carbon của đất, góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Tại Hà Nội, với điều kiện khí hậu ôn hòa nhưng mùa đông lạnh, mô hình cá - lúa cần được điều chỉnh để phù hợp. Chọn giống cá và lúa phù hợp với khí hậu địa phương là yếu tố quan trọng như giống cá rô, trắm cỏ và cá chép có thể chịu được nhiệt độ thấp và phát triển tốt trong điều kiện nuôi ghép với lúa. Bên cạnh đó, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để quản lý môi trường nuôi trồng sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả của mô hình.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Hoàng Kim Vũ, TP. Hà Nội là địa phương có tiềm năng trong nuôi trồng thủy sản (khoảng 24.000ha) cùng 5.930ha đất chiêm trũng trồng lúa, tập trung ở các huyện: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thường Tín. Trong những năm qua, Hà Nội luôn quan tâm tới việc phát triển nuôi trồng thủy sản. Về mô hình nuôi cá - lúa, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, như: Hỗ trợ kinh phí hóa chất xử lý môi trường năm đầu tiên là 50%, năm thứ hai 30%; hỗ trợ 50% kinh phí máy quạt nước tạo ô xy.

Thực tế cho thấy, các mô hình nuôi cá - lúa tạo hệ sinh thái kết hợp, mang lại lợi ích cho cả cá và cây lúa, vừa tận dụng được diện tích mặt nước, tăng sản lượng trên cùng diện tích canh tác. Việc áp dụng mô hình cá - lúa còn góp phần quan trọng giảm phát thải khí nhà kính. Cách sử dụng phân bón tự nhiên từ cá làm giảm nhu cầu sử dụng phân bón hóa học, từ đó giảm lượng khí nhà kính phát thải từ quá trình sản xuất và sử dụng phân bón. Hơn nữa, mô hình này giúp tăng khả năng hấp thụ carbon của đất, góp phần giảm ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản...

Theo ông Hà Tiến Nghi, Hà Nội cũng đang đối mặt với thách thức về diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp do độ thị hóa. Tuy nhiên, với diện tích 5.930ha đất chiêm trũng trồng lúa tập trung tại các huyện: Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa,... và với sự hỗ trợ của thành phố, Sở Nông nghiệp & PTNT, chính quyền, cùng các đơn vị và nhà khoa học thì mô hình cá - lúa vẫn có thể phát triển thông qua các mô hình, dự án thí điểm và chương trình tập huấn cho nông dân. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như hệ thống quản lý nước thông minh và sử dụng giống cây trồng, vật nuôi chịu được điều kiện khắc nghiệt sẽ giúp tăng cường hiệu quả của mô hình.

Như vậy, mô hình cá - lúa là một hướng đi bền vững và tiềm năng cho phát triển kinh tế tuần hoàn tại Hà Nội. Nếu được triển khai một cách hợp lý và khoa học, mô hình này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp người nông dân có động lực chuyển đổi phương thức sản xuất nâng cao đời sống kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành nông nghiệp của Thủ đô.

Thiện Tâm

Top