Hình thành rõ nét bức tranh chăn nuôi Thủ đô

18/02/2016 4:30 PM

(Chinhphu.vn) - Năm 2015, bức tranh của ngành chăn nuôi của Thủ đô Hà Nội đã được hình thành rõ nét. Đặc biệt chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư đạt được nhiều kết quả.

Ảnh minh họa

Theo ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội có 24,8 nghìn con trâu, bằng 101,7% so với cùng kỳ năm 2014; Đàn bò có141,7 nghìn con, bằng 105,8% so với cùng kỳ năm 2014; Đàn gia cầm các loại có 26,7 triệu con, bằng 106% so với cùng kỳ năm 2014… Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại là 396,5 nghìn tấn. So với cùng kỳ năm 2014, sản lượng thịt trâu tăng 2,5%; sản lượng thịt bò tăng 10,1%; sản lượng thịt lợn tăng 1,6%...

Năm 2015 là năm cuối thực hiện Chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Tính đến nay đã phát triển được 15 vùng chăn nuôi, gồm 2 vùng chăn nuôi bò sữa, 4 vùng chăn nuôi lợn, 9 vùng chăn nuôi gia cầm, thủy cầm và 76 xã chăn nuôi trọng điểm, gồm 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt; 13 xã chăn nuôi lợn và 29 xã chăn nuôi gia cầm, 3.363 trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Bên cạnh đó, công tác lai tạo, cải tiến và nâng cao chất lượng giống vật nuôi tiếp tục được thực hiện tốt ( Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đối với bò thịt đạt 61%; với lợn đạt 79%). Ngoài ra, Hà Nội còn thành lập được 5 Hội chăn nuôi-tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn thành phố, đây chính là cơ sở xây dựng chuỗi liên kết và đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm của các Hội. Đồng thời triển khai 7 mô hình chăn nuôi bò, gà và lợn trên địa bàn. Các mô hình chăn nuôi đang trong giai đoạn phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành điểm tham quan học tập cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn Thành phố.

Với sự phát triển trên, ông Tạ Văn Tường cho rằng, chăn nuôi Thủ đô ngày càng phát triển rõ nét, số lượng và sản lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm đều tăng so với cùng kỳ năm 2014. Chính vì vậy, Trung tâm phát triển chăn nuôi đã tiếp tục thực hiện tư vấn thêm 3 chuỗi chăn nuôi-tiêu thụ thịt lợn an toàn được nuôi bằng thức ăn sinh học để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. Đồng thời kết hợp với doanh nghiệp ký tiêu thụ sản phẩm để bán tại các cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm an toàn ở các quận nội thành như: xã Thọ Lộc – Phúc Thọ, xã Cấn Hữu – Quốc Oai, xã Vân Tảo – Thường Tín. Tổng sản lượng sản phẩm các chuỗi sản xuất ra đạt 4,5 nghìn tấn thịt lợn, 3,1 nghìn tấn thịt gia cầm, 140 triệu quả trứng, 29 nghìn tấn sữa tươi.

Ngoài ra còn tập trung tư vấn cho 5 Hội chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm (gồm gà đồi Sóc Sơn, gà đồi Ba Vì, gà Mía Sơn Tây, trứng vịt Liên Châu, vịt Vân Đình) xây dựng kế hoạch hoạt động, kết nối các Hội với doanh nghiệp cung cấp thức ăn, giết mổ và tiêu thụ. Ký kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam; giới thiệu, thông tin tuyên truyền đưa các sản phẩm chăn nuôi của thành phố Hà Nội tới các kênh tiêu thụ trên khắp các tỉnh thành của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng và lợi thế của Thành phố; năng suất, chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa tạo được thương hiệu uy tín để cạnh tranh với thị trường. Các khu chăn nuôi tập trung ở các huyện, xã đều đã được quy hoạch nhưng việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ chế, chính sách để các hộ chuyển đổi ra khu chăn nuôi tập trung vẫn còn nhiều hạn chế. Tổ chức sản xuất có quy mô lớn xong việc xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi mới là bước đầu chưa tạo ra được nhiều liên kết giữa các đơn vị tiêu thụ với các hộ chăn nuôi, đồng thời do thói quen của người tiêu dùng cũng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm.

Vì vậy, trong năm 2016, Trung tâm phát triển chăn nuôi sẽ tập trung tham mưu cho Sở NN&PTNT về công tác phát triển chăn nuôi, nhất là công tác sản xuất giống; Liên kết sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời tiếp tục tư vấn cho các địa phương phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư phù hợp với quy hoạch phát triển chăn nuôi thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Tăng cường chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người chăn nuôi áp dụng trong thực tiễn sản xuất; Thu hút các nguồn lực đầu tư vào phát triển chăn nuôi của Hà Nội nhất là đầu tư công nghệ cao trong chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp với các đơn vị liên quan xúc tiến thương mại, hợp tác liên kết với các tỉnh nhằm tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi có nguồn gốc. Đẩy mạnh tư vấn tăng quy mô chăn nuôi tại các trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi, an toàn dịch bệnh và hiệu quả kinh tế.

Tú Mai

Top