Hình thành văn hóa, thói quen tiêu dùng hàng Việt

20/11/2023 3:07 PM

(Chinhphu.vn) - Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” đã và đang là một trong những hoạt động quan trọng của ngành Công Thương Hà Nội nói riêng và TP. Hà Nội nói chung trong việc xây dựng văn hóa, thói quen tiêu dùng hàng Việt của người dân.

Hình thành văn hóa, thói quen tiêu dùng hàng Việt- Ảnh 1.

Hiện hàng Việt Nam có độ phủ lớn, được người tiêu dùng trong nước tin tưởng

Hàng Việt dần có độ phủ lớn

Được triển khai từ năm 2009, cho đến nay, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân Thủ đô, các doanh nghiệp cũng ý thức được vai trò, trách nhiệm, mạnh dạn chuyển giao công nghệ để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Khi thực hiện Cuộc vận động, TP. Hà Nội và các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cũng tổ chức thành công nhiều chương trình, hội chợ, tuần hàng Việt giới thiệu, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP đã trở thành điểm nhấn trong thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn Thành phố. Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã đã phối hợp các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp tổ chức các hội chợ hàng Việt, phiên chợ hàng Việt, chợ hoa Xuân, các chuyến đưa hàng về vùng xa trung tâm. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động về liên kết vùng, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, nguyên liệu đầu vào giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố giúp người dân Thủ đô tiếp cận nhiều sản phẩm các vùng miền, có chất lượng.

Đặc biệt, Chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích"- một trong những nội dung của Cuộc vận động được tổ chức thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đã góp phần đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh cho thương hiệu Việt.

Năm 2023 là năm thứ 13 Chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích". Chương trình tiếp tục trở thành một trong những hoạt động quan trọng của TP. Hà Nội nhằm xây dựng văn hóa, thói quen tiêu dùng của người Việt với hàng Việt. Qua đó, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp có ý thức sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh cho thương hiệu Việt…

Sau nhiều năm triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hàng Việt không chỉ được cải tiến vượt bậc về chất lượng và mẫu mã ngày càng chiếm ưu thế trong giỏ hàng của người tiêu dùng khi giá thành cạnh tranh so với hàng ngoại. Hiện hàng Việt Nam có độ phủ lớn tại hệ thống phân phối nội địa, được người tiêu dùng trong nước tin tưởng.

Bên cạnh chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá cả phù hợp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt đã biết khai thác yếu tố văn hóa dân tộc, đặc sản vùng, miền để tiếp cận người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Theo số liệu khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Co.opmart, Winmart, Hapro… cho thấy hàng Việt đang chiếm tỷ lệ áp đảo với 90-95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market, Big C, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ 60-96%. Tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên.

Điều này đã cho thấy, nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi, không chỉ là sự vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mà hiện tại "Hàng Việt Nam đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của người tiêu dùng Việt".

Doanh nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm Việt

Hình thành văn hóa, thói quen tiêu dùng hàng Việt- Ảnh 2.

Các doanh nghiệp đã và đang nâng cao chất lượng sản phẩm Việt để đưa đến tay người tiêu dùng. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động TP. Hà Nội cho biết, chương trình bình chọn năm 2023 đã được Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các hội, hiệp hội trên địa bàn tổ chức triển khai xuyên suốt từ tháng 7/2023. 

Ban Tổ chức đã tiếp nhận đăng ký của 166 doanh nghiệp và 345 sản phẩm (tăng hơn 10% so với năm 2022). Sau khi rà soát hồ sơ, chương trình đã lựa chọn ra 150 sản phẩm của 140 doanh nghiệp đạt đủ điều kiện, tiêu chí tham gia để tổ chức bình chọn.

Đánh giá về chất lượng các sản phẩm, dịch vụ tham gia năm 2023, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, trọng tài viên, trọng tài quốc tế VIAC - Trưởng ban Giám khảo chương trình cho biết, năm 2023, các doanh nghiệp đã có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng về các sản phẩm, dịch vụ tham gia, bảo đảm đầy đủ tiêu chí, chất lượng và sự cải tiến hình thức, mẫu mã để có thể đạt được thứ hạng cao trong chương trình thông qua bình chọn của người tiêu dùng và đánh giá của Ban Giám khảo.

Đây là một tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp Việt đã và đang ngày càng quan tâm đến việc nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, đưa sản phẩm Việt có chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, các hoạt động Chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" triển khai trong 13 năm qua của TP. Hà Nội rất hiệu quả, đó là sự tăng trưởng lợi nhuận khi tham gia bình chọn đều tăng từ 10-20%; hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ít đi. Ngoài ra, Chương trình tạo được sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, mặt hàng vì đã tham gia cuộc bình chọn phải thực thi các chính sách pháp luật tốt.

"Khi tham gia, các doanh nghiệp xác định được phân khúc khách hàng; quy trình sản xuất đầu tư của doanh nghiệp thay đổi nhiều; xác lập được kênh bán hàng; chất lượng sản phẩm khi tham gia đều được thay đổi, được làm mới. doanh nghiệp đưa ra mức giá phù hợp; chuỗi liên kết cung ứng giữa các doanh nghiệp được xác lập. Đáng lưu ý, trách nhiệm và ý thức của doanh nghiệp khi tham gia cuộc bình chọn ngày càng lớn, đặc biệt là trách nhiệm với xã hội, người tiêu dùng, với cán bộ công nhân viên của mình…", ông Mạc Quốc Anh cho hay.

Chia sẻ kinh nghiệm sau nhiều năm tham gia chương trình, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Tâm Bình Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, doanh nghiệp sẽ tự tham gia mà không cần phải vận động khi họ thấy được lợi ích trong việc tham gia chương trình, được nhiều người tiêu dùng biết đến. Công ty Tâm Bình gắn bó lâu như vậy với chương trình cũng bởi chương trình đã giúp cho thương hiệu của Tâm Bình được nâng lên và ngày càng gần hơn với đông đảo người tiêu dùng.

Ở góc độ là một người tiêu dùng đã nhiều lần tham gia bình chọn chương trình "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích", chị Nguyễn Nguyệt Anh (trú tại số nhà 9A/24 ngõ Thụy Khuê, quận Ba Đình) mong muốn, thời gian tới, Ban Tổ chức sẽ triển khai nhiều chương trình truyền thông phong phú, hấp dẫn hơn nữa để đông đảo người tiêu dùng có thể biết đến về cuộc vận động, về hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích và tham gia bình chọn.

Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian tới, chương trình bình chọn sẽ được đổi mới, nhất là việc nâng cao hơn nữa các tiêu chí xét chọn, cách thức để thu hút người dân bình chọn, đánh giá một cách thực chất nhất. Công tác tổ chức cũng sẽ được thay đổi nhằm tối ưu hóa.

Trong đó, không giới hạn số lượng doanh nghiệp tham gia; tăng cường truyền thông, quảng bá chương trình trên phương tiện truyền thông tại các quận, huyện… để tạo hiệu ứng cho chương trình, đặc biệt là tập trung vào truyền thông đến người tiêu dùng về lợi ích khi dùng sản phẩm hàng Việt.

Có thể khẳng định, thông qua việc triển khai hiệu quả chương trình "Bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" đã góp phần xây dựng văn hóa, thói quen tiêu dùng của người Việt với hàng Việt, kết nối cung cầu, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng Việt Nam trên thị trường. Qua đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp trong việc sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh cho thương hiệu Việt, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam".

Diệu Anh

Top