HNX: Hành trình bền bỉ tạo lập giá trị

26/11/2021 5:20 PM

(Chinhphu.vn) - Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX-tiền thân là Trung tâm GDCK Hà Nội) chính thức khai trương hoạt động vào ngày 8/3/2005. Đi theo hành trình 25 năm thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, HNX đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, ngày càng phát huy vai trò hết sức có ý nghĩa trong việc xây dựng kênh đầu tư, huy động và phân bổ vốn hiệu quả cho thị trường, cho cộng đồng doanh nghiệp và công chúng đầu tư.

Đa dạng hoá sản phẩm, thị trường ngày càng minh bạch

Ngày 8/3/2005, phiên đấu giá cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đầu tiên được tổ chức tại Trung tâm GDCK Hà Nội (HASTC), phiên đấu giá Nhà máy Thiết bị Bưu điện (Postef) đã mở màn cho hoạt động  đấu giá cổ phần hóa DNNN qua Trung tâm giao dịch chứng khoán thay vì đấu giá tại doanh nghiệp hoặc công ty chứng khoán (CTCK) như trước đó, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động, tái cơ cấu DNNN, đồng thời tạo nguồn cung hàng hóa cho thị trường thứ cấp.

Hoạt động đấu giá của HNX không ngừng được đầu tư cả về cơ sở vật chất và con người, không chỉ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp đấu giá cổ phần, mà còn đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp muốn đưa lên sàn các loại hàng hóa khác trong quá trình tái cơ cấu như trái phiếu chuyển đổi, quyền mua…

Hoạt động đấu thầu TPCP được tập trung tại HNX từ ngày 1/7/2006, và HNX trở thành đơn vị duy nhất được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ tổ chức đấu thầu TPCP tại Việt Nam. Thông qua hệ thống đấu thầu do HNX xây dựng và vận hành, hoạt động đấu thầu TPCP, TPCP bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương được tổ chức thường xuyên và trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho các tổ chức phát hành như Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, UBND tỉnh, thành phố…

Công tác tổ chức hoạt động đấu thầu TPCP cũng được thay đổi tích cực, theo đó hoạt động đấu thầu được tổ chức theo hướng tinh gọn nhưng chất lượng hơn.

Ngày 14/7/2005, hệ thống giao dịch chứng khoán thứ cấp của HNX được chính thức đưa vào vận hành, chỉ 4 tháng sau khai trương hoạt động.

Trong bối cảnh thị trường giao dịch cổ phiếu tự do tiềm ẩn nhiều rủi ro, không đảm bảo an toàn về giao dịch và thanh khoản cho các nhà đầu tư, HNX đã đưa thị trường giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) vào vận hành với mục tiêu thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường giao dịch có tổ chức, có quản lý của Nhà nước. UPCoM  tạo ra môi trường giao dịch chứng khoán công khai, minh bạch, an toàn đối với chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết

Hiện nay, HNX đang quản lý gần 1.300 doanh nghiệp cả niêm yết và UPCoM với tổng giá trị vốn hóa thị trường đạt 1.726 tỷ đồng, thanh khoản trung bình đạt 237,8 triệu cổ phiếu/phiên và 4,4 nghìn tỷ  đồng/phiên trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng gấp hàng trăm lần so với thời kỳ đầu khai trương thị trường. Thị trường cổ phiếu HNX trong 16 năm qua đã giúp các doanh nghiệp huy động 290 nghìn tỷ đồng vốn cho sản xuất, kinh doanh qua kênh phát hành cổ phiếu trên TTCK.

Thị trường TPCP tại HNX được đánh giá là phát triển nhanh và bền vững. Hoạt động đấu thầu trái phiếu đã trở thành kênh phát hành chủ đạo của các tổ chức phát hành với lãi suất huy động hàng năm giảm đáng kể, kỳ hạn bình quân ngày càng tăng, giúp tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng tiền trả lãi, đồng thời hỗ trợ tích cực trong điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước.

Giao dịch TPCP trên thị trường thứ cấp không ngừng tăng về quy mô và độ sâu, tiệm cận các nước có thị trường TPCP phát triển trong khu vực và trên thế giới. Tính đến hết ngày 30/9/2021, tổng dư nợ thị trường TPCP đạt 1,43 triệu tỷ đồng. Thị trường chứng khoán phái sinh ra đời góp phần hoàn thiện cơ cấu thị trường của HNX cũng như hoàn thiện cấu trúc hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam theo thông lệ quốc tế. TTCK phái sinh có sự tăng trưởng vượt các kỳ vọng đặt ra, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Dù mới đi vào hoạt động được hơn 4 năm nhưng thanh khoản trên thị trường phái sinh khá sôi động, khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 205.098 hợp đồng/phiên trong 9 tháng đầu năm 2021. Đặc biệt TTCK phái sinh đã có phiên giao dịch  có khối lượng giao dịch lên tới 403.266 hợp đồng, con số mà tại nhiều thị trường phát triển trong khu vực cũng phải mất hàng chục năm mới đạt được. TTCK phái sinh đã thể hiện vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư trên thị trường cơ sở, giữ chân dòng vốn ở lại thị trường những khi thị trường sụt giảm mạnh.

Những mục tiêu trong tương lai

Sau chặng đường xây dựng và phát triển đầu tiên, thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và HNX nói riêng đã có những thành tựu đáng kể, tạo nền tảng vững chắc và là tiền đề, là động lực cho giai đoạn phát triển mới. Trong bối cảnh đó, HNX đặt mục tiêu tiếp tục phát triển các thị trường hướng tới mục tiêu đưa TTCK trở thành kênh dẫn vốn chủ yếu cho nền kinh tế. HNX sẽ tiếp tục phát triển thị trường cổ phiếu, nâng cao chất lượng hàng hóa. Cùng với việc thúc đẩy các giải pháp tăng thanh khoản thị trường cổ phiếu, HNX cũng đang nghiên cứu thiết lập thị trường vốn cổ phần dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-ups), các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Đặc biệt, HNX sẽ phát triển thị trường trái phiếu trở thành kênh huy động vốn chủ yếu cho ngân sách Nhà nước, góp phần huy động vốn cho phát triển kinh tế của đất nước. HNX sẽ tập trung hoàn thiện tổ chức thị trường trái phiếu bao gồm cả thị trường TPCP và TPDN, tăng cường thanh khoản cho thị trường giao dịch thứ cấp, để hỗ trợ cho hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp. Để thực hiện được mục tiêu đó, HNX sẽ tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ hiện đại, có độ mở cao, có thể kết nối được với hệ thống CNTT của các thị trường quốc tế.

Cùng với đó, HNX sẽ tiếp tục phát triển đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường TPCP, triển khai các sản phẩm phòng ngừa rủi ro lãi suất trên thị trường TPCP. Hệ thống giao dịch TPDN thứ cấp cũng đang được HNX xây dựng, nhằm nâng cao tính minh bạch, công bằng cho thị trường. Đây cũng là ưu tiên của Chính phủ khi yêu cầu rà soát lại điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ theo nguyên tắc gắn với công bố thông tin, bổ sung quy định chỉ có nhà đầu tư chuyên nghiệp được phép đầu tư vào TPDN phát hành riêng lẻ; yêu cầu TPDN phát hành riêng lẻ phải thực hiện đăng ký, lưu ký tập trung. Trên cơ sở phương án tổ chức thị trường giao dịch TPDN đã được Bộ Tài chính phê duyệt, HNX đang chuẩn bị các điều kiện để triển khai thị trường.

Đối với thị trường phái sinh, nơi có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai, HNX sẽ phát triển thị trường này trở thành nơi cung cấp các công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư, cũng như có thêm một kênh đầu tư cho các nhà đầu tư trên thị trường. HNX đang nghiên cứu để phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, không chỉ tiếp tục phát triển các sản phẩm phái sinh dựa trên chỉ số, mà còn phát triển cả các sản phẩm phái sinh dựa trên các cổ phiếu đơn lẻ. HNX cũng nỗ lực tìm các giải pháp thúc đẩy đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức. Ngoài ra, với tiềm năng phát triển thị trường phái sinh hàng hóa, HNX sẽ nghiên cứu triển khai tổ chức thị trường phái sinh trên hàng hóa, trước mắt tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, và các nguyên vật liệu như gas, khí tự nhiên, dầu.

Huy Thắng

Top