Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sau khi đăng ký thành lập
(Chinhphu.vn) - 2 năm vừa, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã dẫn đến việc sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, việc đăng ký doanh nghiệp cũng giảm về số lượng và vốn. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập đã được duy trì, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả.
Theo thống kê của Sở KH&ĐT, Hà Nội hiện có trên 324.600 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Riêng năm 2021, Thành phố đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 24.016 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 345.113 tỷ đồng.
Để tạo cơ sở pháp lý giúp doanh nghiệp mới vừa thành lập được tiếp cận với các chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường tiếp, đối thoại với công dân, doanh nghiệp, nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo, không để phát sinh thành điểm nóng gây mất an ninh trật tư, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với thủ trương đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại tố cáo, qua đó kịp thời chẩn chính tồn tại, hạn chế trong công tác này.
Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, các Sở, ngành Thành phố đã chủ động trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vị phạm theo thẩm quyền.
Thực tế trong năm 2021, Thanh tra Sở KH&ĐT đã ban hành 130 quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp do vi phạm các quy định của Luật Doanh nghiệp theo Nghị định 50/2016/NĐ-CP với số tiền xử phạt là 1,13 tỷ đồng.
Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, Công an Thành phố cũng đã thực hiện 12.795 lượt kiểm tra, phát hiện 589 trường hợp vi phạm, tiến hành xử phạt hành chính 589 trường hợp với tổng số tiền xử phạt 7,6 tỷ đồng; phát hiện 44 vụ việc, khởi tố 21 vụ, phạt hành chính 14 trường hợp 61,9 triệu đồng (9 vụ đang tiến hành điều tra làm rõ).
Theo ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, trong năm 2021, toàn ngành hoàn thành 791 quyết định thanh tra, tổng số thuế xử lý qua thanh tra đạt 4.811 tỷ đồng. Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cũng đã thực hiện kiếm tra 4.001 vụ việc, qua đó xử phạt vi phạm hành chính 42,3 tỷ đồng, trị giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu là 44,9 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy, tái chế là 90,6 tỷ đồng. Đặc biệt, Cục đã kiểm tra 33 vụ việc liên quan đến các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19. Các vụ việc đang được xác minh, làm rõ dễ xử lý theo quy định của pháp luật.
Phối hợp để giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính
Vừa qua, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở KH&ĐT chủ trì xây dựng Quy chế mới về phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sau đăng ký thành lập trên địa bàn thay thế cho Quy chế cũ ban hành theo Quyết định số 09/2017/QĐ-UBND ngày 23/3/2017 của UBND Thành phố. Dự kiến, Quy chế này sẽ được ban hành mới trong 6 tháng đầu năm 2022.
Thời gian tới, các sở, ngành, các địa phương TP. Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp trong quản lý doanh nghiêp. Thường xuyên trao đổi, phối hợp cung cấp, công khai thông tin, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Ðồng thời tăng cường đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, các hộ kinh doanh để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động của doanh nghiệp. Tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm nâng cao ý thức doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập, UBND TP. Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành Nghị định quy định cụ thể, rõ ràng về phạm vi, trình tự, thủ tục, nội dung công tác quản lý doanh nghiệp sau đăng ký; chỉ đạo kết nối liên thông giữa các Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia - thuế - bảo hiểm xã hội.... để kịp thời cập nhật tình hình doanh nghiệp; chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện cơ chế xử lý hiệu quả đối với doanh nghiệp cố tình không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
UBND TP Hà Nội cũng đề xuất với Bộ KH&ĐT báo cáo Chính phủ bổ sung quy định về thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký chỉ nhánh Văn phòng đại diện địa điểm kinh doanh trong trường hợp doanh nghiệp không có quyển sở hữu quyền sử dụng hợp pháp và sử dụng không đúng mục đích theo quy định của pháp luật địa chi kinh doanh đã đăng ký và không chấp hành chuyển địa chỉ theo yêu cầu của Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Đồng thời, đề xuất với Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính đồng bộ hóa các trạng thái hoạt động của doanh nghiệp giữa Cơ quan đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế, nâng cấp hệ thống cho phép truyền dữ liệu từ Cơ quan thuế sang Cơ quan đăng ký kinh doanh nhằm bảo đảm việc truyền thông tin hiệu quả, kịp thời, đáp ứng nhu cầu quản lý. Thành phố cũng kiến nghị với Bộ Công an sớm có hướng dẫn đối với nội dung hồ sơ gia mạo làm cơ sở cho các cơ quan Công địa phương thực hiện, tránh các vụ việc kiến nghị kéo dài.
Minh Anh