Hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

16/11/2016 3:45 PM

(Chinhphu.vn) - Đời sống người khuyết tật dần được nâng cao, bản thân người khuyết tật đã tự tin, nỗ lực phấn đấu học tập, làm việc để cải thiện cho cuộc sống của bản thân và giúp đỡ gia đình, tham gia vào các hoạt động xã hội hòa nhập cuộc sống cộng đồng.

Ảnh minh họa

Tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên

Tháng 6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền của người khuyết tật. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Hà Nội, Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của người khuyết tật được TP. Hà Nội triển khai, tạo điều kiện khuyến khích người khuyết tật tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho xã hội.

Hiện nay, Hà Nội có trên 98 nghìn người khuyết tật, chiếm 1,3% dân số. Trong tổng số người khuyết tật có trên 13 nghìn người thuộc hộ nghèo, chiếm 13%; trên 27 nghìn người khuyết tật cao tuổi, chiếm 27%; trên 11 nghìn trẻ em khuyết tật, chiếm 12%. Về mức độ khuyết tật, có trên 12 nghìn người khuyết tật đặc biệt nặng; trên 62 nghìn người khuyết tật nặng và trên 24 nghìn người khuyết tật nhẹ…

Tính riêng năm 2016, Thành phố đã xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận mức độ khuyết tật cho trên 81 nghìn người. Hiện nay, thành phố có trên 3.600 người khuyết tật được nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng và trên 1.300 người khuyết tật được chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội.

Bà Phạm Thị Thu Hồng, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ,TB&XH cho biết, thành phố đã tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức của người khuyết tật và vì người khuyết tật trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động giao lưu, hợp tác, hỗ trợ người khuyết tật của Thành phố. Hội người khuyết tật đã được thành lập ở 30 quận, huyện, thị xã với hơn 70 chi hội người khuyết tật tại các xã, phường, thị trấn góp phần tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, tổ chức việc làm, tạo điều kiện hòa nhập xã hội.

Hiện tại, Thành phố có 2 tổ chức trực thuộc Hội khuyết tật Thành phố là Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ hòa nhập người khuyết tật và Trung tâm Hỗ trợ sống độc lập của người khuyết tật. Các tổ chức hội tại các quận, huyện, thị xã được kiện toàn, hoạt động thường xuyên, hiệu quả, là chỗ dựa tinh thần vững mạnh cho người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.

Thực hiện các chính sách cho người khuyết tật

Để trợ giúp người khuyết tật, TP. Hà Nội đã quyết định thực hiện một số chính sách phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền của người khuyết tật như: Thực hiện chính sách miễn phí xe buýt cho thương binh, bệnh binh và người khuyết tật; quy định mức trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội sống tại cộng đồng và tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Đồng thời, chỉ đạo các quận, huyện, thị xã chủ động lồng ghép công tác chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật trong việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Trong giáo dục, năm 2016, người khuyết tật được trợ giúp học văn hóa là trên 1.100 người; đồng thời, Thành phố thực hiện chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với người khuyết tật; tổ chức các lớp học xóa mù chữ, tạo điều kiện để người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật trong độ tuổi có nhu cầu, có khả năng học văn hóa được đến trường, phát triển mô hình giáo dục hòa nhập. Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân mở các trường lớp chuyên biệt, học văn hóa kết hợp với phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật.

Riêng chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng, năm 2016 đã có trên 44 nghìn người khuyết tật được khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, số người khuyết tật được chỉnh hình, phục hồi chức năng là trên 2.700 người, gần 1 nghìn người khuyết tật được cấp xe lăn và 100% người khuyết tật thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Với dạy nghề, tạo việc làm, từ đầu năm, thành phố đã bố trí kinh phí thực hiện dạy nghề cho gần 200 người khuyết tật; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh cho trên 1.300 người khuyết tật, tạo việc làm cho trên 1.000 người khuyết tật.

Sở LĐ,TB&XH đã phối hợp với Hội Người khuyết tật định kỳ tổ chức các phiên giao dịch giới thiệu việc làm giúp người khuyết tật có có hội tham gia tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống. Đồng thời, tổ chức các chương trình tọa đàm, tập huấn, triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận các chương trình an sinh xã hội và các dịch vụ xã hội cơ bản.

Từ đầu năm, TP. Hà Nôi đã kiểm tra và cấp giấy phép hoạt động cho 7 cơ sở chăm sóc người cao tuổi và người khuyết tật, công nhận 21 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật để được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước và Thành phố theo quy định của pháp luật.

Đến nay, Hà Nội đã ban hành kế hoạch trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, Trung tâm trợ giúp pháp lý được thành lập thuộc Sở Tư pháp Hà Nội đã tổ chức các chương trình tư vấn pháp lý cho người khuyết tật tại 30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện, thị xã đã tổ chức khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật để triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý, tuyên truyền luật, chính sách liên quan và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Công ước của Liên Hợp Quốc, Luật người khuyết tật và công tác trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn TP. Hà Nội, theo bà Phạm Thị Thu Hồng, Sở LĐ,TB&XH đã nêu một số kiến nghị lên Bộ LĐ,TB&XH cùng các Bộ, ngành liên quan và TP. Hà Nội như: Bổ sung người khuyết tật nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại các cơ sở Bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa gia tăng người khuyết tật cũng như tăng cường các biện pháp phát hiện và can thiệp sớm dị tật của trẻ sơ sinh. Cùng với đó, chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các hội đoàn thể tích cực tuyên truyền trợ giúp người khuyết tật.

Gia Hân

Top