Hoa cây cảnh trong phát triển nông nghiệp thông minh
(Chinhphu.vn) - Việc phát triển hoa, cây cảnh không chỉ bảo vệ và tăng tính thẩm mỹ cho cảnh quan môi trường mà còn mang lại giá trị kinh tế cao, đặc biệt là hoa cây, cảnh ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật “thông minh” để sản xuất, phát triển.
Làng nghề quất cảnh xã Tàm Xá, huyện Đông Anh cho thu nhập cao. Ảnh: Thiện Tâm |
Theo TS. Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội: Hoa, cây cảnh gắn bó mật thiết với thăng trầm của lịch sử dân tộc. Đây không phải chỉ là một thú chơi mà còn là nét văn hóa của người Thủ đô. Từ đó, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị văn minh. Phát triển hoa cây cảnh không những bảo vệ môi trường sinh thái sáng -xanh -sạch -đẹp mà còn là một mũi nhọn kinh tế gia tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân.
Tính đến hết năm 2020, Hà Nội đã có 12 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới trên tổng số 18 huyện, thị xã ngoại thành và có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có thể nói sau 10 năm, bộ mặt nông thôn Hà Nội đã thay đổi rõ rệt, thu nhập người dân ngày một được nâng cao, hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật được đồng bộ đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân, các thiết chế văn hóa ngày càng được duy trì phát triển. Đặc biệt cảnh quan môi trường đã được cải thiện đáng kể với các đường hoa, cây xanh và tranh bích họa đang được người dân quan tâm và mở rộng, biến mỗi địa phương đều trở thành một miền quê đáng sống. Từ đó thu hút người dân đến du lịch, trải nghiệm và thưởng ngoạn. Để phát triển kinh tế nông thôn, bên cạnh phát triển các loại cây trồng vật nuôi phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân thì UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 390 ngày 17/1/2019 về danh mục sản phẩm nông nghiệp cần khuyến khích và ưu tiên, hỗ trợ, thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội cũng tăng mạnh từ 5.484 ha năm 2015 lên 7.960 ha năm 2020.
Cơ bản trên 70% diện tích được trồng tập trung điển hình là ở các quận huyện Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Tây Hồ, Đan Phượng, Thường Tín. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa lan hồ điệp, hoa lan VAR. Với các tiến bộ mới về giống, quy trình chăm bón, hệ thống dinh dưỡng khoáng, tự động, ánh sáng và nhiệt độ được điều chỉnh, năng suất cây trồng ở đây đạt khá cao và việc sản xuất bước đầu được xem là hiệu quả. Giá trị sản xuất bình quân đạt từ 0,5-1,5 tỷ/ha/năm, nhiều mô hình đạt từ 1,3 tỷ đến 2,2 tỷ đồng/ha/năm. Tỷ lệ cây xanh phân tán, ven đường của Hà Nội còn thấp mới chỉ đạt từ 2-3 m2/người.
Đến nay, Hà Nội đã công nhận được 313 làng nghề, làng nghề truyền thống trong làng nghề truyền thống trong đó có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống về hoa, cây cảnh như: Làng nghề sinh vật cảnh thôn Cơ Giáo; Làng nghề sinh vật cảnh thôn Xâm Xuyên; Làng nghề hoa cây cảnh Nội Thôn huyện Thường Tín; Làng nghề hoa, cây cảnh Hạ Lôi; Làng nghề hoa, cây cảnh Liễu Trì…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Chí, bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu về sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh thì vẫn còn có nhiều khó khăn bất cập nên chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế của Thủ đô như: Suất đầu tư cho hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao thường là lớn xong việc tiếp cận chính sách vay vốn còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thị trường cây cảnh thời điểm này chưa sôi động lắm nhưng thị trường hoa lan VAR hiện rất sôi động song vẫn còn có nhiều cách nhìn trái chiều từ các nhà quản lý, khoa học, và các đơn vị truyền thông. Việc thổi giá, lừa đảo thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội làm mất định hướng và niềm tin của người tiêu dùng và lao đao cho các nhà vườn sản xuất kinh doanh chân chính…
Ngoài ra, việc hỗ trợ cho các làng nghề hoa cây cảnh cũng chỉ mới tập trung vào công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống. Công tác quy hoạch vùng sản xuất cây xanh, cây công trình và hoa cây cảnh để thành một ngành kinh tế sinh thái còn nhiều địa phương chưa quan tâm và chú trọng.
Thực tế cho thấy, Hà Nội đã có nhiều mô hình hoa, cây cảnh phát triển nông nghiệp thông minh. Hiện tại, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về các mô hình trồng hoa cây cảnh ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như mô hình ươm trồng lan Hồ Điệp của Công ty Toàn Cầu (Toàn Cầu JSC) đã đạt được một số thành tựu nhất định, quy mô sản xuất đã tăng từ 5.000 m2 diện tích nhà kính ban đầu lên thành 3 ha và dự kiến sẽ được mở rộng thành 10 ha vào năm 2025, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Toàn Cầu JSC đang trong quá trình hoàn thiện và đưa vào vận hành nhà nuôi cấy mô có quy mô lớn nhất Việt Nam với diện tích trên 5.000 m2 và sản lượng dự kiến đạt được xấp xỉ 10 triệu cây giống/năm.
Hay mô hình trồng hoa lan công nghệ cao của HTX Đan Hoài -Flora Việt Nam (Đan Phượng, Hà Nội). Là một trong những mô hình trồng hoa lan công nghệ cao được coi là một hình mẫu của mô hình nông nghiệp đô thị hiện đại sau 15 năm phát triển. Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật phong phú và đa dạng với yêu cầu ngày càng cao của người chơi hoa, đơn vị hướng tiếp tục mở rộng qui mô sản xuất, tăng sản lượng, nâng cao chất lượng hoa và đẩy mạnh xuất khẩu hoa ra thị trường quốc tế.
Cùng với đó, các vùng hoa chuyên canh của Hà Nội như: Tây Tựu, Mê Linh, Đan Phượng Gia Lâm... các loại hoa cây khác cũng từng bước được ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với yêu cầu thực tế.
Để phát triển hoa, cây cảnh nói chung cũng như đạt được mục tiêu của chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội nói riêng, theo ông Nguyễn Văn Chí, trong thời gian tới cần sự phối hợp của các sở ngành và UBND cấp huyện làm tốt công tác quy hoạch, bố trí nguồn lực để phát triển ngành hàng hoa, cây cảnh là mũi nhọn và chủ lực của địa phương trong phát triển kinh tế, cải tạo môi trường nhằm thiết thực phục vụ chương trình nông thôn mới và phát triển đô thị.
Các Hội, Hiệp hội ngành hàng hoa, cây cảnh cần phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước cuung cấp để định giá hoa cây cảnh, gắn mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, thiết lập bản đồ số về hoa cây cảnh để minh bạch thông tin và phục vụ công tác quản lý và giám sát. Các Hội, Chi hội và nghệ nhân tham vấn cho đơn vị quản lý nhà nước của địa phương trong chiến lược phát triển ngành hàng hoa, cây cảnh; tham mưu bộ tài tiệu đào tạo nghề cho lao động và khuyến khích các nghệ nhân, nhà quản lý tốt để đào tạo nghề, truyền nghề cho người lao động.
Thiện Tâm