Hoàn thành đề án phục hồi môi trường nước 4 sông nội đô vào tháng 1/2025
(Chinhphu.vn) - Sở TN&MT Hà Nội hiện đang hoàn chỉnh các nội dung Đề án phục hồi môi trường nước, phát triển đồng bộ hạ tầng kĩ thuật kết hợp quy hoạch kiến trúc, cảnh quan 4 con sông nội đô (Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét) và dự kiến hoàn chỉnh trình UBND Thành phố vào tháng 1/2025.
Tập trung cải thiện toàn bộ môi trường của 4 sông nội đô
Tại phiên chất vấn chiều 11/12, đại biểu Vũ Mạnh Hải, tổ đại biểu Thường Tín nêu câu hỏi, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành tham mưu dự án dây dựng đường ống riêng để bổ trợ nước sông Hồng qua hồ Tây cho sông Tô Lịch để cải tạo môi trường cho dòng sông. Đại biểu đề nghị Sở cho biết giải pháp bổ cập các sông còn lại: sông Lừ, Sét, Kim Ngưu bao giờ thực hiện.
Đại biểu cũng đặt câu hỏi, UBND Thành phố đã giao Sở TNMT đã đề án phục hồi chất lượng môi trường nước, phát triển đồng bộ kỹ thuật kết hợp quy hoạch kiến trúc cảnh quan 4 sông nội đô: Sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu giai đoạn 2021-2025 định hướng 2030, đề nghị cho biết tình hình triển khai, khó khăn, vướng mắc.
Trả lời đại biểu, về bổ cập nước cho các còn sông, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết sông Tô Lịch, Lừ, Kim Ngưu, Sét nằm hoàn toàn trong khu vực đô thị khoảng 17,5 km2. Sau khi toàn bộ nước thải của sông Tô Lịch, sông Lừ được thu gọn về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; sông Kim Ngưu, Sét được thu về nhà máy xử lý nước thải Yên Sở thì toàn bộ nước bổ cập cho các con sông này là không có.
Để triển khai việc này, Thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì triển khai bổ cập nước, hiện Sở đang phối hợp cùng các đơn vị để triển khai. Việc triển khai của sông Tô Lịch phải làm đồng bộ với các sông còn lại. Đây là nhiệm vụ nằm tổng thể đề án bảo tồn, phát huy, cải tạo môi trường của các con sông trong nội thành.
Đến nay, Sở Xây dựng đang phối hợp với các sở, ngành, đặc biệt là Sở TN&MT là cơ quan chủ trì đề án để triển khai các giải pháp. Trong đó có việc tập trung cải thiện toàn bộ nguồn thải, thứ hai là bổ cập nước bằng hai nguồn chính: Ngay từ nước sau sau khi xử lý quay ngược lại cho các con sông, thứ hai là nguồn nước từ bên ngoài như từ sông Hồng để bổ cập.
Trả lời đại biểu Giám đốc Sở TN&MT Lê Thanh Nam cung cấp thêm thông tin liên quan đề án phục hồi môi trường nước, phát triển đồng bộ hạ tầng kĩ thuật kết hợp quy hoạch kiến trúc, cảnh quan 4 con sông nội đô giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn tiếp theo.
Theo Giám đốc Sở TN&MT, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Sở đã triển khai các nội dung đồng bộ các nội dung đề án để trình UBND Thành phố và Thành phố đã nghe nhiều cuộc về vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung bất cập trong quá trình triển khai thực hiện cần hoàn thiện. Theo chỉ đạo của UBND Thành phố, các giải pháp cần phải tổng thể hơn, cần xin thêm ý kiến của các chuyên gia.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung và cập nhật thêm theo Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2030 để bảo đảm công tác quy hoạch kiến trúc, thiết kế cảnh quan cho 4 con sông nội đô cả về giá trị lịch sử, văn hóa, môi trường sinh thái đô thị theo hướng phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các nội dung, giải pháp đưa ra được đề xuất theo hướng cải thiện chất lượng nước, duy trì dòng chảy sinh thái, tăng cường quá trình làm sạch tự nhiên của các con sông, bổ cập tự nhiên… ; quy hoạch môi trường thoát nước, cảnh quan bảo đảm trên nguyên tắc thu gom triệt để nước thải, mở rộng lòng sông, cây xanh hai bên bờ…
Sở TN&MT hiện đang hoàn chỉnh các nội dung liên quan đến dự án và dự kiến hoàn chỉnh trình UBND Thành phố vào tháng 1/2025.
Dự kiến trong năm 2025 tiến hành thu gom rác tự động
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Ngọc Việt, huyện Mỹ Đức đề nghị cho biết tại khoản 3, điểm C, điều 51 và khoản 3, điểm a, điều 86 Luật Bảo vệ môi trường quy định trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với các khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung và thực hiện quản lý Nhà nước về nước thải của các cơ sở trên.
Theo số liệu thống kê tính đến hết năm 2023, trên địa bàn có 70 khu công nghiêp (KCN) đang hoạt động, trong đó có 41 cụm đã và đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng chỉ có 25 cụm đã đưa trạm xử lý nước thải vào hoạt động. Đại biểu đề nghị cho biết giải pháp để khắc phục và tiến độ trong thời gian tới.
Đại biểu cũng đề nghị cho biết đến nay Thành phố đã di dời được bao nhiêu % các cơ sở sản xuất ô nhiễm trong các làng nghề theo Quyết định 2546 ngày 28/4/2023 của UBND Thành phố, những vướng mắc, khó khăn và giải pháp tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trên.
Trả lời đại biểu, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Nguyễn Kiều Oanh cho biết, trong tổng số 70 CCN đang hoạt động đến nay đã có 49 CCN đã có trạm xử lý nước thải. Đối với 21 CCN chưa đầu tư trạm xử lý nước thải, trong đó có 4 cụm sẽ đấu nối vào giai đoạn 2 sau khi hạ tầng xây dựng. Đối với 5 CCN sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2 khi mà Quy hoạch Thủ đô được phê duyệt, 1 CCN của UBND huyện đề xuất không xây dựng trạm xử lý nước thải do không có nước thải, còn lại 11 cụm dự kiến chuyển đổi chức năng trước năm 2030 do không còn phù hợp quy hoạch.
Về chủ trương nhất quán xuyên suốt trong phát triển khu, CCN theo hướng văn minh, hiện đại, công nghiệp xanh, sạch, tiết kiệm năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường, ứng dụng công nghệ cao đảm bảo việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung áp dựng công nghệ xử lý nước thải hiện đại.
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Khánh Hưng, tổ đại biểu huyện Ba Vì cho rằng việc thu gom xử lý rác đã được cải thiện tuy nhiên vẫn còn tình trạng chân rác trên hè phố, quá trình vận chuyển làm nước rác chảy ra đường gây mất vệ sinh môi trường, thiếu điểm tập kết rác…
Trả lời đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, sau năm 2023, Thành phố giao lại cho các quận huyện để tổ chức đấu thầu.
Thành phố đã đưa ra những tiêu chí để đưa ra đấu thầu như có phương tiện hiện đại, đặt thùng rác, thu gom tự động…có như vậy mới xóa được điểm chân rác. Các quận huyện đã tổ chức đấu thầu, các đơn vị trúng thầu cơ bản đáp ứng được việc vận chuyển toàn bộ rác nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thu gom theo hướng hiện đại.
Vừa qua, Thành phố đã mời 4 Chủ tịch của quận nội đô và URENCO để yêu cầu trong năm 2025 phải tiến hành thu gom rác tự động, giảm nhân công, đảm bảo vệ sinh môi trường. Từ đó, các quận khác cũng nghiên cứu để từ năm 2026 trở đi các quận phải triển khai thu gom rác hiện đại.
Gia Huy