Hơn 3,1 nghìn cơ sở tham gia hệ thống truy xuất nguồn nông lâm thủy sản
(Chinhphu.vn) - Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm Hà Nội (check.hanoi.gov.vn) đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý, duy trì hệ thống quản lý cho hơn 3.101 cơ sở là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm sản và thủy sản.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, để bảo đảm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm và quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, thời gian qua ngành nông nghiệp Thủ đô đã khuyến khích đầu tư, hỗ trợ phát triển chế biến, bảo quản nông sản, nâng cao chất lượng thực phẩm. Theo đó, các đơn vị chuyên ngành của Sở đã tích cực phối hợp, kết nối với các cơ sở nghiên cứu, các đơn vị chuyển giao các tiến bộ khoa học, đặc biệt là các ứng dụng công nghệ cao như: Công nghệ lên men, chế biến sâu, sản xuất chế phẩm sinh học, các chất màu, chất phụ gia thiên nhiên, sấy lạnh, sấy nhanh và tự động hóa trong bảo quản và chế biến nông sản... tới các công ty, cơ sở sản xuất, chế biến thuộc thẩm quyền quản lý.
Kết quả cho thấy việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ, máy móc phục vụ chế biến nông sản của thành phố đạt được nhiều tiến bộ.
Các cơ sở chế biến nông sản cơ bản đã đầu tư trang thiết bị, máy móc đồng bộ nhằm cơ giới hóa các công đoạn sơ chế, chế biến, đóng gói sản phẩm như: Máy tách vỏ, thái, xay nghiền, phối trộn, rang sấy, đánh bóng, tạo hương, tạo hình, chiết rót, đóng gói, một số doanh nghiệp đầu tư hệ thống dây truyền sản xuất bán tự động và tự động hoàn chỉnh nhằm giảm nhân công lao động, tăng năng suất, đồng thời cũng hạn chế các mối nguy về an toàn thực phẩm.
Nhiều cơ sở chế biến đã ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất giúp nông sản giữ được màu sắc, mùi vị và dinh dưỡng của sản phẩm; công nghệ đóng gói vô trùng, bao gói khí quyển kiểm soát giúp bảo quản sản phẩm lâu hơn mà không dùng chất bảo quản…
Đồng thời tổ chức khảo sát các cơ sở sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố. Qua đó đã hỗ trợ 65 cơ sở sơ chế, chế biến xây dựng chương trình kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP với mục tiêu giảm thiểu mối nguy, nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Thực hiện khảo sát các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, hỗ trợ 39 doanh nghiệp thực hiện bảo hộ nhãn hiệu; hướng dẫn 20 cơ sở xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, công bố chất lượng, an toàn thực phẩm các sản phẩm chế biến bao gói sẵn nhằm nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông lâm thủy sản.
Đặc biệt là tiếp tục phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm Hà Nội (check.hanoi.gov.vn) đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho trên 3.101 cơ sở là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm sản và thủy sản; cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp biển nhận diện trái cây an toàn với trên 10.912 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống. Đồng thời, 100% các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn Thành phố đã ứng dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Cùng với việc duy trì, phát triển, tích hợp hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội trên hệ thống phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ GIS ứng dụng quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm sản nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm ngành nông nghiệp được triển khai hiệu quả hơn, góp phần chia sẻ thông tin, tương tác được với người dân về quản lý an toàn thực phẩm ngành nông nghiệp; phục vụ việc quản lý, theo dõi, đánh giá, giám sát các hoạt động về an toàn thực phẩm nhất là chức năng cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, duy trì và mở rộng hệ thống quản lý dữ liệu tự công bố sản phẩm nông lâm thủy sản, cho phép tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu công bố sản phẩm có thể truy cập hệ thống để tự khai báo, công bố các sản phẩm của mình và có thể tra cứu thông tin công bố sản phẩm; tạo thuận lợi cho quản lý, giám sát nghiệp vụ chuyên môn đối với hoạt động tự công bố sản phẩm.
Ngoài ra, trong năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, ngành nông nghiệp đã tổ chức hướng dẫn, thẩm định xếp loại cho 173 lượt doanh nghiệp chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản. Trong đó, 152 cơ sở được xếp loại A/B chiếm tỷ lệ 88%, 21 cơ sở xếp loại C chiếm tỉ lệ 12%. Đối với các cơ sở xếp loại C, đều đã được hướng dẫn khắc phục các tồn tại theo quy định. Qua đó đã thực hiện cấp 152 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở được xếp loại A/B.
Thiện Tâm