Hợp tác với Hội đồng Thủ công thế giới phát triển làng nghề Thủ đô

31/10/2024 2:05 PM

(Chinhphu.vn) - Trong nỗ lực hội nhập, phát triển và hướng tới xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Hà Nội đã ký kết hợp tác với Hội đồng Thủ công thế giới để phát triển bền vững làng nghề. Bên cạnh việc phát huy các giá trị truyền thống thì các làng nghề của Hà Nội cũng cần tiếp thu, sáng tạo các mẫu mã sản phẩm mới phù hợp với văn hóa và thị hiếu của các nước phát triển. Từ đó, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ra Thế giới, nâng cao giá trị các sản phẩm làng nghề của Thủ đô.

Hợp tác với Hội đồng Thủ công thế giới phát triển làng nghề Thủ đô- Ảnh 1.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cùng Hội đồng Thủ công thế giới đi thăm quan thực tế tại các khu vực làng nghề Thủ đô Hà Nội. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Với truyền thống trên 1.000 năm tuổi, nghề dệt lụa Vạn Phúc đã nổi tiếng trong và ngoài nước được nhiều du khách đến trải nghiệm, tham quan và mua sắm. Trong định hướng phát triển du lịch làng nghề, phường Vạn Phúc đã đầu tư cải tạo, chỉnh trang di tích lịch sử, đền chùa và các trung tâm bảo tồn nghề lụa Vạn Phúc để du khách tham quan, trải nghiệm.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm, Chủ cơ sở dệt lụa Triệu Văn Mão chia sẻ: Nét độc đáo của lụa Vạn Phúc chính là dệt hoa trên lụa, những sản phẩm lụa Vạn phúc gồm trên 70 loại như lụa Vân, lụa sa, lụa hoa với nhiều chủng loại mẫu mã hoa văn và màu sắc khác nhau từ truyền thống đến hiện đại đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng. Vạn Phúc còn sản xuất được nhiều loại gấm với màu sắc hoa văn rất phong phú như gấm tam thể, ngũ thể, thất thể …lung linh biến đổi màu sắc tuỳ theo ánh sáng và góc nhìn. Đây là những mặt hàng quý, bền đẹp được du khách hết sức ưa chuộng, yêu thích.

Trong nỗ lực bảo tồn và phát triển làng nghề, những nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã nghiên cứu sản xuất ra loại sản phẩm lụa giảm nhàu, không phai, cải tiến kỹ thuật dệt chuyển dần sang tính chất sản xuất bán công nghiệp và đã trở thành một sản phẩm chiến lược thúc đẩy sự phát triển của làng nghề. 

Nghệ nhân Trần Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hội Làng nghề Vạn Phúc cho hay: Với bàn tay khéo léo, tinh thần lao động cần cù và thông minh sáng tạo, người dân nơi đây đã tạo nên những tấm lụa mượt mà mang đậm văn hoá cổ truyền Việt Nam. Đó là nền tảng để làng lụa Vạn Phúc hội nhập và tiếp cận thị trường thế giới.

Năm 2001, Vạn Phúc đã được cấp bằng công nhận " Làng nghề truyền thống dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc" và năm 2023, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Hợp tác với Hội đồng Thủ công thế giới phát triển làng nghề Thủ đô- Ảnh 2.

Hội đồng Thủ công thế giới thăm quan làng nghề dệt tơ tằm tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Ông Nguyễn Văn Dự, Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc cho rằng: Qua buổi làm việc với đại diện Hội đồng thủ công thế giới thì làng Lụa Vạn Phúc sẽ được quảng bá, hội nhập với thế giới để nâng cao vị thế của làng nghề, để Vạn Phúc sẽ thực sự là Làng nghề - Làng du lịch ngày càng phồn thịnh văn minh.

Vừa qua, đoàn công tác của Hội đồng Thủ công thế giới đã đi khảo sát, đánh giá các tiêu chí để xem xét công nhận làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm và làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo toàn cầu.

Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Qua buổi làm việc, Hội đồng đã đánh giá làng nghề gốm Bát Tràng không chỉ hội tụ đầy đủ các tiêu chí của một làng nghề truyền thống mà còn xứng đáng trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng ghi nhận những giá trị đặc sắc của làng nghề dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc, đặc biệt là bề dày văn hóa và lịch sử phát triển kéo dài hàng ngàn năm...

Thành phố Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng nghề truyền thống, chiếm 56% tổng số làng nghề của cả nước. Đồng thời nhấn mạnh, Hà Nội xác định làng nghề là một trong những thế mạnh phát triển; trong những năm gần đây, đã quan tâm, đầu tư nguồn lực lớn để bảo tồn và phát triển các làng nghề một cách bài bản và hiệu quả. Với tiềm năng, thế mạnh và định hướng trên, UBND thành phố Hà Nội mong muốn Hội đồng Thủ công thế giới tiếp tục quan tâm, cộng tác và hỗ trợ Hà Nội hiện thực hoá mục tiêu phát triển bền vững các làng nghề, phấn đấu làm sao để người dân, các nghệ nhân không chỉ sống được bằng nghề mà còn giàu có lên nhờ nghề truyền thống.

Thiện Tâm

Top