Hướng đến xây dựng bệnh viện thông minh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân hiệu quả
(Chinhphu.vn) - Việc ứng dụng chuyển đổi số trong công tác khám, chữa bệnh đang là xu thế tất yếu đối với các cơ sở y tế. Thời gian qua, nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai tích cực ứng dụng chuyển đổi số hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh để đáp ứng chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai thành công bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Đơn cử như tại bệnh viện Nam Thăng Long, đây là bệnh viện hạng II tuyến thành phố, có quy mô 260 giường kế hoạch, 284 giường thực kê, gồm 06 phòng chức năng, 11 khoa lâm sàng và 03 khoa cận lâm sàng, với tổng số 247 cán bộ, nhân viên. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 lượt khám ngoại trú và điều trị nội trú cho khoảng 39 bệnh nhân.
Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bệnh viện đã đầu tư cho cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin được đầu tư đồng bộ với hệ thống máy chủ, thiết bị bảo mật, lưu trữ dữ liệu và hệ thống PACS kết nối các thiết bị chẩn đoán hình ảnh như: CT, MRI, X-quang... Các phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS), hệ thống xét nghiệm (LIS), hệ thống chẩn đoán hình ảnh (RIS) được tích hợp, kết nối liên thông với cơ quan bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng triển khai nhiều tiện ích thông minh như kiosk đăng ký khám bằng căn cước công dân gắn chip, thanh toán không dùng tiền mặt qua mã QR, tiến tới quản lý toàn bộ quy trình khám chữa bệnh không sử dụng hồ sơ giấy.
Từ tháng 10/2024, bệnh viện đã hoàn tất việc số hóa toàn bộ hồ sơ bệnh án theo Thông tư 32, đáp ứng đầy đủ 30/30 tiêu chí bệnh án điện tử theo quy định của Bộ Y tế. Đơn vị cũng đã triển khai chữ ký số cho toàn bộ cán bộ y tế, đồng thời đưa vào sử dụng ứng dụng di động hỗ trợ bác sĩ trong công tác đi buồng, ra y lệnh, tra cứu kết quả cận lâm sàng và ký số trực tuyến. Đến nay, hệ thống công nghệ thông tin của bệnh viện Nam Thăng Long đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện triển khai bệnh án điện tử, thay thế hoàn toàn bệnh án giấy.

BVĐK Hà Đông đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, làm nền tảng hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Tại bệnh viện Đa khoa Hà Đông (bệnh viện hạng I trực thuộc Sở Y tế Hà Nội), hiện có quy mô 828 giường kế hoạch, 858 giường thực kê. Bệnh viện có tổng cộng 43 khoa phòng và 3 Đơn nguyên, với đội ngũ nhân lực hơn 900 cán bộ, viên chức và người lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2025, bệnh viện đã tiếp nhận và khám bệnh cho hơn 222.000 lượt người, điều trị ngoại trú cho gần 24.000 lượt và điều trị nội trú cho trên 14.000 lượt bệnh nhân, với công suất sử dụng giường bệnh đạt trên 105%.
Thời gian qua, bệnh viện đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng công nghệ thông tin theo từng giai đoạn, ứng dụng các giải pháp phần mềm thông minh nhằm nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh. Đồng thời cũng đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng thiết bị như máy chủ, tường lửa, hệ thống lưu trữ thông tin, màn hình hiển thị số thứ tự, hệ thống ký số, ký điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt bằng mã QR.
Phòng máy chủ được trang bị đầy đủ thiết bị chuyên dụng như: Hệ thống phòng cháy chữa cháy, tủ điện, lưu điện, điều hòa, camera giám sát, thiết bị theo dõi nhiệt độ, độ ẩm, hệ hống lưu trữ dự phòng…
Tại khoa Khám bệnh, bệnh viện đã đưa vào sử dụng kiosk lấy số tự động, kiosk tự đăng ký khám khám bằng căn cước công dân gắn chip và tra cứu thông tin, triển khai app đi buồng. Đồng thời thực hiện kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với cơ quan bảo hiểm xã hội nhằm phục vụ thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tiến tới quản lý toàn bộ quy trình khám chữa bệnh không sử dụng hồ sơ giấy.

BVĐK Vân Đình triển khai thành công bệnh án điện tử, giúp thủ tục khám chữa bệnh được nhanh chóng, thuận tiện. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Tương tự, tại bệnh viện đa khoa Vân Đình, nếu như trước kia bác sĩ khám theo quy trình cũ phải in nhiều phiếu chỉ định xét nghiệm, bệnh nhân cầm tới từng khoa phòng khắp bệnh viện để kịp xếp giấy lấy số. Nhưng hiện nay bệnh viện đã có bệnh án điện tử, bác sĩ chỉ cần in một tờ duy nhất, dù bệnh nhân cần làm đến 10 xét nghiệm cận lâm sàng (xét nghiệm sinh hóa máu, chụp X-quang, điện tim, siêu âm…), thì phần mềm quản lý cận lâm sàng (HIS-LIS) sẽ tự động tính toán trình tự cho từng bệnh nhân, tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân. Sau khi thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm, hệ thống tự động dự báo thời gian trả kết quả chính xác tới từng phút, trên phiếu cũng in mã QR để bệnh nhân chủ động quét, theo dõi thời gian trả kết quả.
Nhờ thủ tục nhanh gọn nên bệnh nhân chỉ cần ngồi chờ ở phòng khám ban đầu, các kết quả sẽ được trả về cho bác sĩ khám qua HIS-LIS và phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS). Nếu bệnh nhân muốn lưu lại kết quả đó, bác sĩ sẽ gửi cho bệnh nhân qua ứng dụng để theo dõi.
Theo BSCKI Nguyễn Thị Mai, khoa Phụ sản, bệnh viện đa khoa Vân Đình, nhờ thực hiện bệnh án điện tử, bác sĩ đã nhanh chóng truy cập hồ sơ bệnh án người bệnh trên máy tính, ipad, điện thoại thông minh... với hiển thị đầy đủ thông tin và đưa ra y lệnh điều trị kịp thời. Thông qua đó tiết kiệm được thời gian cho bác sĩ trong việc tìm kiếm dữ liệu và khám chữa bệnh, đồng thời quản lý được tốt hơn về kế hoạch điều trị, thuốc men; các y bác sĩ cũng có nhiều thời gian hơn để thăm khám, chăm sóc và tư vấn kỹ cho người bệnh.

Người dân đến BVĐK Vân Đình có thể đặt lịch khám từ xa, không mất thời gian như trước. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Chia sẻ với báo chí, anh Nguyễn Văn Năng, xã Hồng Sơn đến khám tại bệnh viện đa khoa Vân Đình cho biết, khi tới bệnh viện thăm khám anh thấy rất thoải mái vì không phải mang theo nhiều giấy tờ, thủ tục khám chữa bệnh cũng được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện. Anh không phải mang nhiều giấy tờ tùy thân như trước, đến kiểm tra lại sức khỏe, trên bệnh án điện tử của bệnh viện đã có kết quả lâm sàng, đơn thuốc.
Hướng tới bệnh viện thông minh, bệnh viện đã đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đến nay, 100% các khoa phòng của bệnh viện đều được trang bị máy tính kết nối mạng nội bộ, mạng internet. Hệ thống công nghệ thông tin kết nối liên hoàn, đồng bộ các trang thiết bị trên tất cả các khâu: Từ tiếp nhận, quản lý bệnh nhân, quản lý xét nghiệm, hỗ trợ quyết định y khoa, quản lý dược, tài chính kế toán... Ngoài ra, bệnh viện đã ứng dụng thành công phần mềm "thông minh" như: Bệnh nhân đặt lịch khám tại bệnh viện từ xa, có thể đăng ký lịch khám trước để tránh mất thời gian chờ đợi, được chọn khung giờ khám phù hợp, chọn phòng khám mong muốn. Mọi thông tin lịch hẹn được cập nhật đến cửa tiếp đón và máy bác sĩ, không còn có cảnh phải xếp hàng lấy số. Khi tới đăng ký khám, người bệnh có thể sử dụng BHYT trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số; tiếp đón qua định danh điện tử VNeID và hệ thống nhận diện khuôn mặt FaceID với thời gian tiếp đón vô cùng nhanh chóng.
Đáng chú ý, bệnh viện còn ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong công tác quản trị bệnh viện như phần mềm quản trị, tuyển dụng nhân sự; phần mềm quản lý trang thiết bị; phần mềm quản lý văn bản… Nhờ đó, mọi công tác quản lý đều được thực hiện hiệu quả, chính xác, hạn chế tối đa các sai sót. Qua các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, ban lãnh đạo bệnh viện giám sát hiệu quả sự tuân thủ các quy trình, các phác đồ điều trị của nhân viên y tế, hướng đến phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn chuyển đổi số, mỗi cán bộ y tế cần đổi mới quan điểm, tư duy làm việc, chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình số. Việc triển khai bệnh án điện tử sẽ từng bước số hóa quy trình khám chữa bệnh, giúp người dân đăng ký khám nhanh hơn, giảm thời gian chờ đợi, đồng thời quản lý hồ sơ bệnh án trên phần mềm.
Thiện Tâm