Hướng tới một Chính quyền điện tử thông suốt, minh bạch

05/04/2019 7:37 PM

(Chinhphu.vn) - Việc hoàn thiện và vận hành tốt hệ thống dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là hệ thống một cửa điện tử Thành phố dùng chung 3 cấp, sẽ giúp phục vụ người dân tốt hơn, qua đó góp phần xây dựng chính quyền điện tử thông suốt, minh bạch mà TP. Hà Nội đang hướng đến.

gười dân thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa. Ảnh: Diệu Anh

Với xu hướng đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam, việc triển khai mô hình chính quyền điện tử, cuộc cách mạng 4.0 và hình thành các đô thị thông minh hiện nay đang dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức, phương thức quản lý, tác động đến các cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cả người dân, doanh nghiệp, xã hội.

Hà Nội là một trong 3 thành phố của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn tham gia mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN. Do đó, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động trao đổi, hợp tác quốc tế như ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn công nghệ DELL của Mỹ; tham gia dự án các thành phố thế giới (World Cities) của Liên hiệp châu Âu... về xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh cho Hà Nội.

Những năm gần đây, Hà Nội luôn là địa phương nằm trong tốp đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực. Trong đó, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến có đóng góp không nhỏ vào kết quả này. Tính đến nay, Hà Nội đã có 1.055 dịch vụ công trực tuyến, đạt 55% số dịch vụ công (có 916 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 139 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4) bao gồm các dịch vụ công trực tuyến tiếp nhận từ các Bộ, ngành, các dịch vụ công trực tuyến do đơn vị tự triển khai và Thành phố triển khai trên Cổng Dịch vụ công dùng chung; trong đó, 761 dịch vụ công trực tuyến đang vận hành chính thức và 294 dịch vụ công trực tuyến đã xây dựng, đang vận hành thử nghiệm.

Việc triển khai hệ thống một cửa điện tử cũng được thực hiện nghiêm túc. Ðến nay, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn của Thành phố đã vận hành hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp. Thành phố có hơn 11.000 tài khoản, tiếp nhận hơn 311.000 hồ sơ thủ tục hành chính, riêng cấp xã đã tiếp nhận hơn 279.000 hồ sơ. Điều này không chỉ cho thấy tính hiệu quả của hệ thống, mà qua đó phản ánh thực tế người dân đã làm quen nhiều hơn với việc thực hiện các giao dịch hành chính thông qua môi trường mạng.

Về lâu dài, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp các quy trình giải quyết hồ sơ hành chính được công khai, minh bạch, giúp người dân, doanh nghiệp dễ hiểu, dễ thực hiện. Trách nhiệm đội ngũ cán bộ thực thi công vụ từ cấp Thành phố đến cấp xã tiếp tục được nâng lên một bước cao hơn, luôn đặt nhiệm vụ phục vụ tốt tổ chức, cá nhân là ưu tiên hàng đầu.

Nỗ lực xây dựng Chính quyền điện tử

Trên cơ sở phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, trong năm 2019, TP. Hà Nội đã kiện toàn bộ máy, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước triển khai một số thành phần cơ bản của Thành phố thông minh. Sau khi Thành phố thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã của Thành phố cũng thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tại đơn vị.

Nhấn mạnh năm 2019, thành phố Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần đặt mục tiêu phấn đấu năm 2019, 100% dịch vụ công phải được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 (trong đó 35% phải thực hiện cấp độ 4). Tập trung đầu tư phát triển từ một đến hai khu công nghệ thông tin tập trung trọng điểm. Bên cạnh đó, việc xây dựng Trung tâm Ðiều hành Thành phố thông minh cũng sẽ được triển khai với 8 trung tâm chức năng. Trước mắt, sẽ tập trung triển khai các thông tin liên quan đến giao thông, du lịch và y tế.

Trước những mục tiêu đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, Thành phố cũng sẽ lắp đặt các ki-ốt để phục vụ người dân thực hiện dịch vụ công, là nơi tuyên truyền các chính sách công và các tiện ích khác. Bởi ngoài sự quyết tâm, triển khai bài bản, hiệu quả của chính quyền, việc đẩy mạnh tuyên truyền sẽ giúp người dân đồng hành cùng Thành phố, sớm hiện thực mô hình chính quyền điện tử.

Về việc triển khai số hóa cơ sở dữ liệu, từ các nơi đã thí điểm thành công cần nhân rộng ra với công nghệ bảo đảm thích ứng với phương tiện phù hợp. “Năm 2019, phải hoàn thành số hóa xong cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, 100% xã phường thị trấn đến 30/6/2019, phải hoàn thành lắp đặt thiết bị để phục vụ họp trực tuyến; lắp đặt camera ở quận huyện phải bảo đảm công nghệ tiên tiến phục vụ điều hành thông minh; đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu đất đai làm cơ sở để xây dựng dữ liệu lớn (BigData)”, Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Với những kết quả đã đạt được và nhiệm vụ sắp triển khai trong thời gian tới cho thấy sự quyết tâm, triển khai có hiệu quả của các cấp chính quyền Thành phố. Tuy nhiên, để mô hình chính quyền điện tử của Thành phố sớm thành hiện thực rất cần sự góp sức, đồng hành của người dân Thủ đô.

Diệu Anh-Diệp Anh

Top