‘Hút’ đầu tư vào khu công nghiệp: Thay đổi cả lượng và chất
(Chinhphu.vn) - Năm 2023, các khu công nghiệp Hà Nội đã thu hút đầu tư tăng 71,16% so với cùng kỳ năm 2022. Không chỉ tăng về số lượng vốn đầu tư, việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn có sự thay đổi về “chất”.
Thu hút đầu tư được 10 dự án mới
Những năm qua, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội luôn thực hiện tốt nhiệm vụ là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính trong khu công nghiệp, cung cấp các dịch vụ hành chính công và các dịch vụ hỗ trợ khác cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tham mưu Thành phố những cơ chế, chính sách đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Do đó, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn luôn duy trì được đà tăng trưởng khá. Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 7,2%/năm. Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp giai đoạn 2009-2022 đạt gần 4 tỷ USD quy đổi (trung bình đạt 300 triệu USD/năm), trong đó thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 3,5 tỷ USD (vốn đầu tư mở rộng dự án FDI chiếm 73%)
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, công tác xúc tiến thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tiếp tục được đẩy mạnh thời gian qua. Đến cuối năm 2023, Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348 ha, tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt hơn 95%.
Nổi bật như Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP), giai đoạn 1 diện tích 76,9 ha đã có sáu dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, cơ bản lấp đầy; Khu công viên Công nghệ thông tin Hà Nội (quận Long Biên) diện tích 36 ha đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư thứ phát.
Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, diện tích 302 ha đang trong giai đoạn thực hiện giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án... Lũy kế đến nay, số dự án thứ phát đang hoạt động tại các khu công nghiệp là 710 dự án, trong đó có 302 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký gần 6,7 tỷ USD, 408 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký hơn 26.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án có vốn đầu tư lớn của các công ty đa quốc gia có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao như Canon, Yamaha, Meiko, Terumo, Hoya…
Ngành nghề thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tuân thủ đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó chủ yếu tập trung vào các ngành nghề: Điện - điện tử chiếm 44%, công nghiệp cơ khí chế tạo 24%, các ngành công nghiệp khác 32% (dược phẩm, chế biến nông sản, thực phẩm, may mặc, công nghiệp in...).
Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long cho biết, Ban Quản lý đã thường xuyên phối hợp các sở, ngành, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, thương mại, du lịch Thành phố xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp với các hình thức đa dạng, phong phú.
Tính riêng năm 2023, các khu công nghiệp trên địa bàn đã thu hút đầu tư được 10 dự án mới, trong đó có 5 dự án trong nước, vốn đăng ký 491 tỷ đồng; năm dự án FDI, vốn đăng ký 170 triệu USD và 20 dự án mở rộng (vốn đầu tư tăng 137,6 triệu USD và 6.905 tỷ đồng). Năm 2023 các khu công nghiệp đã thu hút đầu tư tăng 71,16% so với cùng kỳ năm 2022. Không chỉ tăng về số lượng vốn đầu tư, việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn có sự thay đổi về "chất".
Song song với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong khu các khu công nghiệp duy trì được mức tăng trưởng khá. Công tác quản lý doanh nghiệp, quản lý lao động và giải quyết việc làm ngày càng phát huy tốt vai trò tích cực, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Các khu công nghiệp của Hà Nội đã thu hút gần 165 nghìn người lao động (trong đó lao động nước ngoài là trên 1.100 người), bình quân 1 ha đất đã tạo việc làm cho hơn 160 lao động. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp và phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố…
Ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao, hiện đại
Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận, việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mới; sản xuất các sản phẩm thiết yếu phục vụ sản xuất công nghiệp và tiêu dùng trong nước; các ngành đều có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao…
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội sẽ thành lập thêm các khu, cụm công nghiệp mới, tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống hạ tầng khu công nghiệp theo hướng đồng bộ hiện đại, phù hợp với nhu cầu thực tế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, chủ động lựa chọn các dự án phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, trong đó ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao, hiện đại...
Thời gian tới, để đẩy mạnh công tác phát triển các khu công nghiệp, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo đột phát trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá Thủ đô trên nền tảng năng xuất, chất lượng, hiệu quả và bền vững.
Xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển mô hình khu công nghiệp mới đối với các mô hình phù hợp khu công nghiệp thành phố Hà Nội như mô hình khu công nghiệp sinh thái, , khu công nghiệp Công nghiệp - đô thị - dịch vụ...
Ngoài ra, cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính thông thoáng, có tính cạnh tranh cao, nâng cao chất lượng dịch vụ công nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư... Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền công tác quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp để tạo cơ chế "một cửa, tại chỗ" thuận lợi cho doanh nghiệp.
Diệu Anh