Huy động mọi lực lượng cho phòng chống thiên tai

11/04/2017 4:17 PM

(Chinhphu.vn) - Để bảo đảm công tác phòng chống thiên tai, Hà Nội cần tổ chức tốt lực lượng, phương tiện tại chỗ và xử lý sự cố ngay từ giờ đầu.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu trao bằng khen của UBND Thành phố cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phòng chống thiên tai năm 2016. Ảnh: Tú Mai

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, trong năm 2016 có 10 cơn bão hoạt động trên biển Đông, trong đó bão số 1, bão số 3 ảnh hưởng đến khu vực Hà Nội. Bão số 1 tuy không đổ bộ trực tiếp vào Thành phố nhưng đã gây ra gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, mưa lớn, gây thiệt hại khá nặng nề trên địa bàn: gãy đổ trên 1 nghìn cột điện, trên 30 nghìn cây xanh, gần 5 nghìn ha diện tích nông nghiệp bị thiệt hại. Cơn bão số 3 gây thiệt hại cho gần 4 nghìn ha diện tích lúa và hoa màu bị ngập, hư hỏng 23 căn nhà, gãy đổ trên 200 cây xanh...

Để chủ động phòng chống thiên tai, năm 2016, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và các ngành liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, các hồ chứa, công trình thủy lợi. Trên cơ sở đó đã đề xuất biện pháp sửa chữa, lập phương án phòng chống lụt, bão, úng trong mùa mưa bão năm 2016. 

Đồng thời, kiểm tra xác định các trọng điểm, các điểm xung yếu; xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và phương án bảo vệ các trọng điểm khi có mưa, bão lớn xảy ra. Thực hiện kiểm kê vật tư dự trữ tại các kho trên các tuyến đê thuộc Thành phố quản lý, qua đó xác định số lượng, chất lượng vật tư bảo đảm phục vụ cho công tác phòng, chống lụt bão, mua bổ sung vật tư đủ số lượng theo quy định. Đôn đốc, yêu cầu các quận, huyện, thị xã, chuẩn bị vật tư dự trữ theo phương án đã lập. 

Qua kiểm tra cho thấy, hiện trạng các công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn Thành phố bảo đảm khả năng chống lũ và bảo đảm nhiệm vụ theo thiết kế. Trong đó có một số dự án lớn được tập trung đầu tư như: nâng cấp đê Vân Cốc, huyện Phúc Thọ, Đan Phượng; cải tạo nâng cấp mặt đê tả Hồng, huyện Đông Anh; xây dựng đường hành lang chân đê hữu Đà, hữu Hồng, huyện Ba Vì. Đặc biệt là dự án xử lý tổng thể khu vực kè Thanh Am và sạt lở đầu cầu Đuống, quận Long Biên đã hoàn thành, xóa bỏ được một trong bốn trọng điểm xung yếu trong công tác phòng, chống thiên tai của Thành phố.

Mặc dù hệ thống công trình thủy lợi đã được UBND Thành phố quan tâm đầu tư, cải tạo nâng cấp và các hạng mục đầu tư đã phát huy hiệu quả trong công tác chống úng hạn. Tuy nhiên, trong quản lý vận hành hệ thống công trình thuỷ lợi còn nhiều bất cập. Điển hình là hiện nay vẫn còn nhiều công trình thủy lợi được xây dựng từ những năm 60-70 thế kỷ trước, với quy mô và máy móc, thiết bị lạc hậu. Bên cạnh đó, lòng kênh bị bồi lắng nhiều mặt cắt kênh không bảo đảm so với thiết kế ban đầu, nhiều đoạn bờ nhỏ thấp thường bị tràn khi có mưa to. Tình trạng lấn chiếm đổ rác, phế thải, vật liệu rắn vào công trình thủy lợi ảnh hưởng đến công tác tưới, tiêu ngày càng gia tăng, mức độ đô thị hóa, các khu công nghiệp, đường giao thông phát triển kéo theo nhiều hệ lụy.

Ngoài ra, hệ thống sông Nhuệ từ vành đai 4 đến Liên Mạc chưa đựơc nạo vét nên khi mưa lớn không tiêu úng được cho nội thành và các huyện Hoài Đức, Đan Phượng. Một thực trạng khác là trên toàn địa bàn Thành phố có 95 hồ chứa nhưng toàn bộ các hồ đều có đập là đập đất. Qua thời gian dài đưa vào khai thác sử dụng nhiều hồ đã xuống cấp, hư hỏng nhiều. Đến nay các sự cố hư hỏng lớn đã được đầu tư xử lý và cơ bản bảo đảm an toàn phục vụ sản xuất.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu đã đánh giá cao những cố gắng trong công tác phòng chống thiên tai của Thành phố trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, vẫn còn tư tưởng chủ quan; công tác chuẩn bị phương án ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" có lúc, có nơi chưa đầy đủ. Bên cạnh đó tình trạng vi phạm đê điều vẫn diễn biến phức tạp.

Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu cho rằng, để bảo đảm công tác phòng chống thiên tai trong năm 2017, Hà Nội cần bố trí kinh phí, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện thực hiện theo phương châm "bốn tại chỗ”. Đồng thời tổ chức tập huấn, thực hành xử lý sự cố thiên tai ngay từ giờ đầu. Các đơn vị, quận, huyện, thị xã, xã phường,thị trấn cần thực hiện rà soát, kiểm tra các điểm đê nguy hiểm và thống kê lại, báo cáo Thành phố trước ngày 30/4.

Ban Chấp hành tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng triển khai công tác, nhất là công tác phòng ngừa từ xa. Các sở, ngành của Thành phố tùy theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, tổ chức thực hiện để giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất.

Tại Hội nghị, 16 cá nhân và 14 tập thể đã được nhận bằng khen của UBND Thành phố trong công tác phòng chống thiên tai năm 2016.

Tú Mai

Top