Huyện Gia Lâm sẽ trình đề án thành lập quận trong quý II/2023
(Chinhphu.vn) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu huyện Gia Lâm phát triển thành quận thì phải duy trì được sự phát triển bền vững, lâu dài, là quận văn hiến, văn minh, hiện đại.
Sáng 24-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đồng chí Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với huyện Gia Lâm về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2022, 3 tháng đầu năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Cơ cấu kinh tế huyện Gia Lâm tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà cho biết, năm 2022, huyện hoàn thành 15/16 chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch (thu ngân sách nhà nước đạt 89,1% do nguồn thu từ đất chỉ đạt 17,4% dự toán). Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý năm 2022 tăng 10,52%, đạt 123% kế hoạch; quý I-2023, ước tính tăng 10,83% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ.
Đối với nhiệm nhiệm vụ thành lập quận, hiện nay, huyện đã hoàn thành lựa chọn đơn vị tư vấn lập Đề án thành lập quận và các phường trực thuộc, phấn đấu hoàn thành, báo cáo UBND thành phố trong quý II-2023.
Cụ thể, huyện đã đạt 6/6 tiêu chí bắt buộc về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Với 4 nhóm tiêu chí về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị cần đạt tối thiểu (21/25 tiêu chí), huyện cũng đã đạt 22/25 tiêu chí.
Đối với điều kiện thành lập phường, huyện đã xây dựng dự thảo phương án điều chỉnh địa giới hành chính và rà soát, tính toán lại các tiêu chí theo phương án điều chỉnh còn 16 đơn vị hành chính. Các phường dự kiến thành lập đến nay đã đạt 2/3 tiêu chí bắt buộc (tiêu chí chưa đạt là cân đối thu chi ngân sách); đồng thời đã đáp ứng nhóm tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định.
Huyện Gia Lâm có 20 xã, 2 thị trấn với diện tích hơn 116km2, dân số 309.000 người. Huyện có 4.000 doanh nghiệp, hơn 14.000 hộ kinh doanh; có 5 cụm công nghiệp, 6 làng nghề, 2 học viện, 4 trường đại học, cao đẳng, 3 khu đô thị...
Tại buổi làm việc Bí thư Huyện ủy Gia Lâm nêu 21 kiến nghị đối với các cơ quan thành phố về lĩnh vực xây dựng Đảng và kinh tế - xã hội, 5 kiến nghị về nhiệm vụ thành lập quận.
Đối với 17 tuyến đường thuộc nhiệm vụ chi ngân sách thành phố còn lại với tổng mức đầu tư hơn 3.668 tỷ đồng, huyện kiến nghị thành phố giao huyện chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính lập phương án đầu tư, báo cáo thành phố xem xét, chấp thuận theo hướng: Giai đoạn 2023-2025, thực hiện chuẩn bị đầu tư từ nguồn ngân sách huyện; giai đoạn 2026-2030, triển khai thi công từ nguồn ngân sách thành phố (khoảng 70%) và ngân sách huyện (khoảng 30%).
Nêu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, rút kinh nghiệm từ một số huyện lên quận, Gia Lâm phải chuẩn bị đội ngũ cán bộ, vừa rà soát, sàng lọc, vừa tổ chức đào tạo, bồi dưỡng. Đây là vấn đề huyện phải chủ động và phải làm ngay. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, để phát huy lợi thế, tiềm năng, huyện phải thực sự chủ động, sáng tạo, quyết tâm. Vừa qua, thành phố đã tạo điều kiện bố trí đầu tư nâng cấp, xây dựng mới bệnh viện, nhưng khâu chuẩn bị đầu tư thuộc trách nhiệm của huyện chưa nhanh.
Phát triển thành quận văn hiến, văn minh, hiện đại
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, huyện Gia Lâm là cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt... Huyện còn có hệ thống di tích văn hóa, lịch sử rất phong phú; làng nghề đặc sắc; có các học viện, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn... Đây là lợi thế, có tiềm năng phát triển rất lớn. Hiện nay, huyện đang tập trung thực hiện các tiêu chí, quy định để phát triển thành quận.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu sau cuộc làm việc này, Ban Thường vụ Huyện ủy họp bàn để tiếp thu các ý kiến trao đổi, định hướng, chỉ đạo của thành phố, nhất là nêu cao tinh thần tự chủ, đổi mới tư duy, nhận thức, nêu cao ý thức trách nhiệm và tinh thần dám nghĩ, dám làm; định vị lại con đường phát triển, đô thị hóa phải bảo đảm phát triển bền vững, lâu dài.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, điều mà lãnh đạo Thành phố quan tâm nhất là phải bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân. Huyện Gia Lâm phát triển thành quận, nhưng dân phải giàu, kinh tế phải mạnh.
Huyện cần rà soát lại các kiến nghị, đề xuất, xem xét từng vấn đề, vấn đề nào nằm trong khả năng có thể chủ động giải quyết được thì phải hành động ngay. Cấp ủy phải quyết liệt đổi mới phương thức lãnh đạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát cơ sở; thực hiện tốt chủ đề của thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; chủ động định hướng công việc cho chính quyền; giao việc, nhưng không phó mặc, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ cho đến khi có kết quả, có sản phẩm.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là phù hợp với yêu cầu trở thành quận.
Trong đó, huyện phải tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ; chú trọng phát triển hệ thống logistics, cảng cạn, chợ, siêu thị, công viên chuyên đề cây cảnh; khơi dậy cho được nguồn lực văn hóa, nhất là bảo tồn, phát huy hơn 300 di tích trên địa bàn, các lễ hội, nhất là những di tích, lễ hội đặc sắc gắn với hai trong bốn “Tứ bất tử” là Phù Đổng Thiên Vương và Chử Đồng Tử...
Bí thư Thành ủy cho rằng, về định hướng trở thành quận, cấp ủy, chính quyền từ huyện xuống các xã, thị trấn cần xác định rõ là trở thành quận, phải duy trì được sự phát triển bền vững, lâu dài, là quận văn hiến, văn minh, hiện đại.
GIa Huy