Huyện Phú Xuyên: Chuyển đổi đất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao

12/04/2018 10:00 AM

(Chinhphu.vn)-Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020", huyện Phú Xuyên đã đạt được nhiều kết quả rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Chuyển đổi đất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao ở huyện Phú Xuyên-Ảnh Internet

Cụ thể, đến nay huyện đã chuyển đổi được 2.830 ha, trong đó: Mô hình VAC là 1.506 ha; nuôi trồng thủy sản 445 ha; trồng lúa chất lượng cao 400 ha; cây ăn quả 178 ha; chăn nuôi xa khu dân cư 52 ha; trồng rau an toàn 241 ha.

Trên địa bàn huyện có 89 trang trại đạt tiêu chí, tăng 16 trang trại so với năm 2015, trong đó có 21 trang trại chăn nuôi, 26 trang trại tổng hợp, 40 trang trại thủy sản, 2 trang trại trồng trọt. Tổng giá trị sản lượng hàng hoá của các trang trại đạt gần 152,6 tỷ đồng.

Nhiều mô hình mới được nhân dân huyện Phú Xuyên áp dụng đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng măng tây xanh, rau trái vụ; mô hình rau cần an toàn, khoai tây vụ đông, bí xanh an toàn, bưởi Diễn, cam Canh...

Giá trị sản xuất/ha canh tác của huyện đạt từ 200 đến 230 triệu đồng, có mô hình đạt từ 400 đến 500 triệu đồng/ha.

Để khuyến khích áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, huyện Phú Xuyên đã hỗ trợ 70% tiền giá thể đối với các diện tích cấy máy. Diện tích bằng cấy máy trên địa bàn huyện chiếm 10% tổng diện tích cấy lúa. Toàn huyện có 455 máy làm đất, 148 máy cấy, 2 máy gieo mạ khay tự động, 30 máy gặt đập liên hoàn. Việc gieo mạ khay, cấy bằng máy đã mang lại hiệu quả thiết thực; năng suất cấy máy tăng từ 200 đến 300 kg/ha, chi phí sản xuất giảm từ 3 đến 3,5 triệu đồng/ha. Một số hợp tác xã đã làm chủ công nghệ sản xuất mạ khay và chuyển giao cho nông dân các tỉnh lân cận như: Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên...

Trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã có một số mô hình có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo an toàn thực phẩm như: Mô hình trồng măng tây ở xã Hồng Thái có sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, trồng trong nhà màng; một số trang trại chăn nuôi ở xã Phúc Tiến, Châu Can, Quang Lãng, Tân Dân sử dụng giống mới nhập nội, chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín có hệ thống điều tiết nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, có hệ thống máng ăn, uống tự động. Mô hình nuôi trồng thủy sản ở xã Tri Trung đã sử dụng giống lai, công nghệ vi sinh trong xử lý môi trường nước.

Để bảo đảm sản phẩm đầu ra ổn định, một số cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã liên kết với một số công ty, tập đoàn lớn như CP, Mavin Austfeed... Mặc dù đầu năm 2017, giá cả thịt lợn hơi xuống thấp, song các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện vẫn ổn định đàn gia súc, có tích lũy phát triển. Trong thời gian tới, huyện Phú Xuyên sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ tín dụng để các trang trại có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất chuồng trại phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi giá trị...

Huy Thành

Top