Huyện Thạch Thất: Đi lên từ nông nghiệp
(Chinhphu.vn) - Trên địa bàn huyện Thạch Thất hiện có 59 làng với 50 làng có nghề, trong đó, có 10 làng nghề được Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 91 triệu đồng/người/năm.
![Thạch Thất: Đi lên từ nông nghiệp - Ảnh 1. Thạch Thất: Đi lên từ nông nghiệp - Ảnh 1.](https://tl.cdnchinhphu.vn/thumb_w/640/344445545208135680/2023/6/19/545243762996945240347183966588879825272832n-16871386373001342690485.jpg)
Các em học sinh tham quan việc làm nông nghiệp tại trang trại Hoa Viên, Thạch Thất - Ảnh: VGP/ An Khuê
Từ câu chuyện một trang trại rau
Tại thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội ai cũng biết đến một trang trại rau hữu cơ rộng lớn mang tên Hoa Viên. Với diện tích 60ha đất đồi rừng, quy tụ nhiều loại rau quý hiếm, trang trại Hoa Viên là một trong những mô hình trồng rau hữu cơ lớn nhất Thủ đô.
Chị Trương Kim Hoa, chủ trang trại Hoa Viên đã mất nhiều năm liền cải tạo 60ha đồi dốc thành những nấc ruộng bậc thang trồng rau hữu cơ lớn.
Rau tại Hoa Viên được trồng và chăm sóc theo quy trình tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc trừ cỏ, trừ sâu và phân bón hóa học. Tất cả các công đoạn sản xuất từ làm cỏ, bắt sâu, chăm bón trang trại đều hoàn toàn tự nhiên. Thay vì sử dụng thuốc diệt cỏ như các cây trồng khác, những công nhân của trang trại làm cỏ bằng phương pháp thủ công.
Việc khống chế sâu bệnh ngay từ khi phát sinh như bắt giết sâu, ngắt ổ trứng, ngắt lá bị bệnh hại… để mang đi tiêu hủy; dùng bẫy, bả sinh học dẫn dụ côn trùng gây hại; dùng thiên địch như cóc, thằn lằn, kỳ nhông… để diệt trừ sâu; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc tự nhiên theo kinh nghiệm dân gian như gừng, ớt, tỏi…, 100% phân bón từ nguồn phân hữu cơ đã được ủ hoai mục, phân trùn quế (giun quế) của trang trại lợn rừng Hoa Viên và phân vi sinh lên men từ đậu tương.
Với quy trình sản xuất bài bản, giám sát chặt chẽ, chi phí chăm sóc rau hữu cơ cao hơn, nên rau nơi đây có hương vị thơm ngon tự nhiên và giàu dinh dưỡng.
Chị Hoa cũng chia sẻ những khó khăn sản xuất ban đầu khó tiếp cận thị trường vì người dân chưa hiểu nhiều về sản phẩm trong khi đó chi phí thuê mặt bằng cao. Theo chị Hoa, được sự giúp đỡ của Chi cục Bảo vệ thực vật thuộc NN&PTNT Hà Nội, trang trại Hoa Viên tiến hành trồng rau hữu cơ trên diện tích 5.000m2 bắt đầu từ năm 2013. Từ đó đến nay, diện tích rau hữu cơ tăng dần lên với rất nhiều chủng rau đa dạng như rau ngót, rau cải các loại, hoa thiên lý, rau muống, rau lang, rau dền, mướp hương, bầu bí, su su. Ngoài ra, trang trại còn tự nghiên cứu trồng và phát triển một số giống rau rừng, đặc sản khác.
Hiện tại, trang trại Hoa Viên với thương hiệu Rau Đại Ngàn đã được cấp chứng nhận hữu cơ phù hợp tiêu chuẩn IFOAM (Norms for Organic Prodution. Mã số chứng nhận: VICAS052 - PRO - 0005). Cùng với đó, trang trại đón rất nhiều khách tham quan, trải nghiệm việc làm nông nghiệp rất thú vị.
Trang trại Hoa Viên là một trong nhiều mô hình làm nông nghiệp của huyện Thạch Thất đã có khởi sắc sau 15 năm sáp nhập địa giới hành chính các địa phương thuộc tỉnh Hà Tây vào Hà Nội. Năm 2020, huyện Thạch Thất đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 91 triệu đồng/người/năm.
Nhiều kết quả tích cực
Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, trên địa bàn huyện Thạch Thất có 59 làng với 50 làng có nghề, trong đó, có 10 làng nghề được tỉnh Hà Tây và TP. Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống, với những làng nghề nổi tiếng như làng nghề cơ kim khí Phùng Xá, Mộc - may Hữu Bằng; Mây tre giang đan Bình Phú, Bánh chè lam Thạch Xá, Chè kho Đại Đồng; Mộc Chàng Sơn, Canh Nậu; Dị Nậu; Làm nhà gỗ cổ truyền xã Hương Ngải...
Thạch Thất còn là vùng đất cổ mang đậm nét đặc trưng của văn hóa xứ Đoài, với 101 di tích đã được Nhà nước xếp hạng, trong đó có Chùa Tây Phương được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, 34 pho tượng Phật được công nhận là Bảo vật Quốc gia…
Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, sau khi được sáp nhập về Thủ đô, huyện Thạch Thất đã nỗ lực huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế và có nhiều đổi thay nhanh chóng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.
Đến nay, tổng diện tích đất tự nhiên huyện là 18.459ha với 23 đơn vị hành chính gồm 22 xã, 1 thị trấn (12 xã, thị trấn vùng nông giang; 08 xã vùng đồi gò và 03 xã miền núi) với 122 thôn, tổ dân phố, dân số 225.955 người (dân tộc Mường chiếm 5,2% dân số toàn huyện). Toàn Đảng bộ huyện có 74 tổ chức cơ sở đảng với tổng số 9.165 đảng viên. Trên địa bàn huyện có Đại học Quốc gia Hà Nội, đặc biệt là quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc với diện tích 17.074ha - đây là cơ hội lớn để Thạch Thất phát triển trong tương lai.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới nông thôn mới, năm 2013, huyện Thạch Thất đã có xã đầu tiên được công nhận đạt chuẩn là xã Đại Đồng. Chỉ sau 5 năm, toàn bộ các xã trong huyện đều đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Hiện nay, huyện đã tập trung chỉ đạo, xây dựng các xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu hết năm 2023 sẽ có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người của huyện Thạch Thất chỉ đạt 11,6 triệu đồng/năm, hiện nay đã tăng lên 8 lần, đạt 91 triệu đồng/người/năm. Con số này cho thấy huyện đã có sự đột phá toàn diện về kinh tế, xã hội. Huyện Thạch Thất phấn đấu thu nhập bình quân đầu người năm 2023 tăng lên 100 triệu đồng (mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu 120 triệu đồng).
Đến nay, huyện đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gồm: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 690ha tại các xã: Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải. Vùng sản xuất rau an toàn, quy mô 285ha tại các xã: Tiến Xuân, Hương Ngải, Dị Nậu, Yên Bình, Yên Trung...
Vùng sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao, quy mô hơn 300ha tại các xã: Bình Yên, Kim Quan, Lại Thượng... Quá trình chuyển đổi đã tạo được các vùng chuyên canh cho giá trị thu nhập cao hơn 5-7 lần so với chỉ cấy lúa.
An Khuê