Huyện thuần nông bứt phá xây dựng nông thôn mới

01/09/2022 2:19 PM

(Chinhphu.vn) - Phát huy truyền thống 200 năm, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã tập trung phấn đấu thực hiện thành công các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá; phấn đấu và duy trì huyện đạt nông thôn mới theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại.

Huyện thuần nông bứt phá xây dựng nông thôn mới từ lịch sử 200 năm - Ảnh 1.

Những cung đường bích họa tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Chủ tịch huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn chia sẻ, Phúc Thọ là một vùng đất cổ thuộc của người Việt cổ, cái nôi của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Trải qua hàng ngàn năm hình thành, xây dựng, phát triển, cùng những biến động của lịch sử, phạm vi hành chính của Phúc Thọ có nhiều thay đổi. 

Do điều kiện tự nhiên Phúc Thọ đã hình thành nên hai vùng: Vùng đồng chuyên trồng lúa, vùng bãi chuyên trong các loại hoa màu. Phúc Thọ đã sản sinh ra nhiều ngành nghề truyền thống, để rồi lưu giữ, phát triển qua tiến trình của lịch sử, xây dựng nên truyền thống tốt đẹp trong lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương. Tiêu biểu là các làng nghề truyền thống như: Mộc, đan lát; chế biến bún, bánh, đậu phụ. Gần đây có một số ngành nghề mới như: Trồng cây cảnh, cây ăn quả, rau củ sạch; nuôi con đặc sản, chế biến tinh bột sắn…

Phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, trong những năm qua, tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảngc hính quyền và nhân dân huyện Phúc Thọ đã nỗ một lực phấn đấu đạt được những thành quả quan trọng về mọi mặt trong xây dựng nông thôn mới.

Bước vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, với quyết tâm cao và xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, chọn dồn điền đổi thửa là khâu đột phá để tổ chức triển khai thực hiện. Huyện đã tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2025. 

Đồng thời phấn đấu thực hiện thành công các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá; phấn đấu và duy trì huyện đạt nông thôn mới theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại. Quyết tâm thực hiện thắng lợi đề án phát triển kinh tế tư nhân; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các hình thức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; tích cực cải thiện chất lượng môi trường.

Theo ông Doãn Trung Tuấn, với bề dày lịch sử lâu đời 200 năm xây dựng và phát triển, hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn 2010 - 2020, kinh tế huyện tiếp tục tăng trưởng. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 12.541 tỉ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 9,2%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỉ trọng giá trị ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại. 

Huyện đã chỉ đạo, tập trung phát huy các thế mạnh phát triển kinh tế ở từng địa phương; từng bước phát triển dịch vụ, thương mại, làng nghề tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch; quan tâm thu hút đầu tư mở rộng sản xuất; huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế.

Đến nay, 20/20 xã của huyện đều đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và huyện đạt 9/9 tiêu chí. Trong đó nhiều nhóm tiêu chí đạt kết quả cao như: 100% đường trục xã, liên xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện đã được nhựa hóa, bê tông hóa, 100% đường trục thôn liên thôn, đường ngõ xóm đã được bê tông hóa và đạt chuẩn theo quy định; 100% các xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2018-2020, 100% Trạm Y tế xã, thị trấn đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt đạt 62 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 5 lần so với năm 2010); đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang; tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm đạt 97,5%.

Hiệu quả của chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện còn được thể hiện ở việc cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã từng bước đầu tư đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao.

Ngành nông nghiệp của huyện tiếp tục thể hiện vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, liên tục tăng trưởng từ 4,5-5,5%/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Huyện đã thực hiện chuyển đổi 480ha rau an toàn, 454ha hoa cây cảnh, 1.002ha cây ăn quả, 28ha diện tích ứng dụng công nghệ cao và 3.063ha lúa chất lượng cao, tạo tiền đề cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Huyện thuần nông bứt phá xây dựng nông thôn mới từ lịch sử 200 năm - Ảnh 2.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới theo Bí thư huyện Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn, huyện sẽ tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý sau quy hoạch, nhất là quy hoạch các vùng kinh tế, các khu sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, khu sản xuất nông nghiệp chuyên canh chất lượng cao, khu đô thị sinh thái. Đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cạnh tranh của sản phẩm. Chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung. Thực hiện hiệu quả chương trình "mỗi xã một sản phẩm" (OCOP).

Đồng thời nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt cuộc vận động "Ba sạch"; chăm lo đời sống của nông dân. Huy động tối đa mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Thực hiện đầy đủ, hiệu quả chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công và công tác giảm nghèo bền vững. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các nhà trường. Nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, tăng cường các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Thực hiện tốt Đề án Phát huy giá trị tinh thần cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, trở thành nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng để phát triển huyện.

Thiện Tâm

* Chương trình có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội./.

Top