iHanoi - Bước tiến đặc biệt trong chuyển đổi số của thành phố Hà Nội

02/01/2025 8:06 AM

(Chinhphu.vn) - "Công dân Thủ đô số - iHanoi" là ứng dụng thể hiện tâm huyết và trách nhiệm rất cao của chính quyền Hà Nội trong mục tiêu "lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ", đồng thời là bước tiến đặc biệt trong công tác chuyển đổi số của Thành phố nhằm khai thác hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ.

iHanoi - Bước tiến đặc biệt trong chuyển đổi số của thành phố Hà Nội- Ảnh 1.

Xử lý gần 30.000 phản ánh qua iHanoi

Ngày 28/6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và TP. Hà Nội đã bấm nút vận hành chính thức ứng dụng "Công dân Thủ đô số - iHanoi".

Tính đến giữa tháng 12/2024, đã có 3.167.657 tài khoản đăng ký sử dụng ứng dụng iHanoi; Số tài khoản đăng ký mới đạt 709.040 tài khoản.

Về số lượng phản ánh hiện trường, iHanoi đã tiếp nhận 32.208 phản ánh, đã xử lý khoảng gần 30.000 phản ánh. Trong thời gian qua, số lượng người dân đăng ký tài khoản mới cũng như đang có tài khoản trên ứng dụng iHanoi tăng đáng kể, người dân biết đến ứng dụng này càng nhiều nhờ công tác tuyên truyền hiệu quả.

Theo ông Hoàng Văn Bằng, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội, iHanoi - nền tảng Công dân Thủ đô số được triển khai với sứ mệnh là kênh tương tác số nhằm thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân cùng các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội.

Ứng dụng mang ý nghĩa chỉ cần một chạm là có thể kết nối với cơ quan chính quyền, một chạm là có thể theo dõi các tình hình tin tức mới nhất của Hà Nội và một chạm có thể sử dụng các tiện ích đô thị thông minh. Theo đó, mỗi công dân sẽ được cấp một tài khoản số duy nhất, chỉ với một "chạm để kết nối" đã có thể sử dụng tất cả các ứng dụng, tiện ích, dịch vụ phát triển trên môi trường điện tử của Thủ đô một cách dễ dàng.

Ứng dụng được phát triển với 4 chức năng chính gồm: Tương tác với chính quyền qua phản ánh kiến nghị; Tiện ích đô thị thông minh như giao thông, y tế, giáo dục, môi trường, đất đai, nông nghiệp; Tiếp nhận thông tin qua tin tức, truyền thông quan trọng của thành phố; Tiếp nhận sáng kiến đóng góp xây dựng Thủ đô.

iHanoi - Bước tiến đặc biệt trong chuyển đổi số của thành phố Hà Nội- Ảnh 2.

Bà Giáp Thị Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND phường Việt Hưng hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng iHaNoi. Ảnh: VGP/Minh Anh

Đây cũng là nền tảng được thiết kế mở, cho phép dễ dàng tích hợp, chia sẻ thông tin với các hệ thống khác. Đơn cử, với tiện ích đô thị thông minh, tương lai người dân sẽ có cơ hội trải nghiệm nhiều tiện ích như tra cứu điểm đỗ xe và đặt chỗ trước, thanh toán không tiền mặt. Cùng với đó, thông qua camera giao thông trên ứng dụng, người dân có thể chủ động lựa chọn lộ trình đi phù hợp, tránh ách tắc thông qua dữ liệu ảnh tức thời tại các tuyến đường trong giờ cao điểm. Hoặc, về các tiện ích y tế, hiện, iHanoi cũng đã được tích hợp Sổ Sức khỏe điện tử - giúp ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của người dân sinh sống trên địa bàn. Người dân cũng có thể truy cập thông tin về các cơ sở y tế, mạng lưới nhà thuốc xung quanh để phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình.

Với cấp quản lý, việc đổi mới phương thức tổ chức và điều hành các cuộc họp, phòng họp số, phòng họp thông minh tích hợp ứng dụng họp không giấy tờ (eCabinet) trên ứng dụng cũng là sự kết hợp của các giải pháp gồm phần mềm thông minh, cơ sở vật chất hiện đại và tài liệu được số hóa. Điều này được kỳ vọng sẽ giảm tối đa thời gian họp, hoàn toàn sử dụng văn bản điện tử, tăng tính kịp thời, hiệu quả trong xử lý các công việc của lãnh đạo thành phố.

"Không chỉ vậy, với mỗi phản ánh, góp ý được đưa lên iHanoi, cơ quan chức năng cũng sẽ kịp thời tiếp nhận, nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng của người dân, kịp thời đưa ra các phương án giải quyết, từ đó có thêm sự tin yêu, góp thêm "sức nước, lòng dân" vào công cuộc xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số của địa phương", Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội chia sẻ.

Mang lại các lợi ích thiết thực cho người dân

Được người thân hướng dẫn sử dụng ứng dụng iHanoi, ông Nguyễn Ngọc Thành (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) cho rằng, tất cả các tiện ích trong ứng dụng rất hay, rất thực tiễn và vô cùng hữu ích cho người sử dụng. Theo ông, ứng dụng mang lại các lợi ích thiết thực cho người sử dụng như một số thủ tục hành chính có thể thực hiện trên app giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí. Sự tương tác giữa chính quyền và người dân được tăng cường rất hiệu quả, nhanh chóng qua các ứng dụng trong mục 'Phản ánh đề nghị'.

Ông Thành cho biết, người thân trong gia đình sử dụng trên ứng dụng app iHanoi có mục Tiện ích đô thị thông minh, khi xem nội dung về thông tin quy hoạch, gia đình ông sẽ biết được khu vực địa phương nơi sống đang được quy hoạch ra sao. "Gia đình tôi cũng rất quan tâm các danh mục giao thông trên ứng dụng iHanoi. Theo đó, trong danh mục này, có tra cứu phạt nguội, camera giao thông, bản đồ ngập úng... rất hữu ích cho mọi người khi tham gia giao thông.

Về camera giao thông, hiện nay có tất cả là 31 camera giao thông tại một số tuyến phố của các quận như Hòa Kiếm, Long Biên, Cầu Giấy. Ông Nguyễn Ngọc Thành đề xuất, Thành phố nên bổ sung thêm nhiều tuyến đường tại các quận huyện để người dân có thể nắm bắt tình hình giao thông, nhằm thuận lợi cho quá trình di chuyển.

Bên cạnh đó, ông Thành cũng cho rằng, để giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông, thành phố Hà Nội nên lắp đặt camera thông minh tại các tuyến đường, phố để từ đó có thể tự động điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu giao thông thông qua việc phân tích hình ảnh lượng phương tiện.

Tích hợp thêm nhiều tiện ích

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND TP. Hà Nội, tỷ lệ người dân sử dụng ứng dụng iHanoi tại các huyện trên địa bàn Thành phố còn thấp, và chênh lệch lớn so với các quận nội thành do sự chênh lệch về dân trí. Số lượng phản ánh ngày càng tăng nhiều, trong đó các phản ánh tập trung tại các lĩnh vực: văn minh đô thị; dân sinh xã hội; giao thông; vệ sinh môi trường… cho thấy đây là những vấn đề còn gây nhiều bức xúc tới người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, trong thời gian tới Thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của iHanoi để người dân hiểu và đồng thuận sử dụng. Việc tích hợp iHanoi với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính và các nền tảng thanh toán trực tuyến. Trong đó kết nối iHanoi với nền tảng quản trị và Cổng thông tin điện tử thành phố, tích hợp các tính năng như tìm tuyến xe buýt, đặt chỗ đỗ xe. Tra cứu điểm thi và tự động thông báo kết quả khám, chữa bệnh và phát triển tính năng trợ lý ảo và Chatbot để hỗ trợ cán bộ, công chức và người dân.

Đặc biệt trong định hướng kết nối và chia sẻ giữ liệu Hà Nội sẽ phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) để cung cấp dữ liệu phạt nguội; Phối hợp với Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông vận tải) để cung cấp dữ liệu đăng kiểm. Phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) để cung cấp dữ liệu giám sát hành trình.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng cho biết, Thành phố đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ người dân Thủ đô sử dụng nền tảng "Công dân Thủ đô số - iHanoi," qua đó thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách hành chính và nâng cao chất lượng quản lý đô thị. Sự đồng bộ, trách nhiệm và sáng tạo từ cấp lãnh đạo đến từng cơ quan, đơn vị sẽ là yếu tố then chốt đảm bảo thành công cho các nhiệm vụ đã đề ra.

Do đó, UBND Thành phố đã yêu cầu các cơ quan cần tổ chức tự kiểm tra việc triển khai ứng dụng iHanoi trên địa bàn, báo cáo kết quả gửi UBND Thành phố trước ngày 15/1/2025 để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 Thành phố. Tùy thuộc vào tình hình thực tế, các đơn vị cần sáng tạo trong việc áp dụng các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản và sử dụng các tiện ích trên nền tảng "Công dân Thủ đô số - iHanoi." Song song đó, các cơ quan cần đẩy mạnh xử lý các phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.

Sở Nội vụ Hà Nội được giao nhiệm vụ biểu dương các điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai. Đồng thời, cần phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với các cá nhân thiếu trách nhiệm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Những kết quả này sẽ được đưa vào tiêu chí kiểm điểm, đánh giá, xếp loại thi đua của đơn vị và người đứng đầu.

UBND Thành phố cũng yêu cầu Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố chịu trách nhiệm khẩn trương hoàn thiện quy chế quản lý và vận hành nền tảng iHanoi, bao gồm cả quy trình tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị từ người dân. Những vấn đề kỹ thuật phát sinh (nếu có) cần được khắc phục kịp thời. Trung tâm cũng phải tập trung triển khai đầy đủ các nhiệm vụ theo đúng chức năng và thẩm quyền được giao.

Với tâm huyết và trách nhiệm rất cao của chính quyền Hà Nội trong mục tiêu "lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ" nêu trên, có thể xem iHanoi là bước đột phá đặc biệt trong công tác chuyển đổi số của Thành phố, giúp chính quyền lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân một cách nhanh nhất, và nhanh chóng phản hồi thông tin tới người dân. Cũng qua iHanoi, chính quyền cung cấp thông tin hữu ích đến người dân một cách hiệu quả.

Minh Anh

Top