Kết nối chuỗi liên kết nông sản: Hướng đi bền vững cho nông dân

09/08/2016 3:55 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay trại chăn nuôi gia cầm trứng thương phẩm quy mô lớn chưa được nhiều, tiêu thụ sản phẩm không ổn định nên việc kết nối chuỗi liên kết trứng gia cầm thương phẩm trên địa bàn thành phố là hết sức cần thiết và mở ra hướng đi bền vững cho bà con nông dân.

Tham gia chuỗi liên kết trứng gia cầm thương phẩm mang lại nhiều lợi ích cho nông dân và người tiêu dùng. Ảnh: Tú Mai

Nội dung trên được đưa ra tại Hội thảo kết nối chuỗi liên kết trứng gia cầm thương phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội, diễn ra vào sáng nay (9/8).

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng, hiện nay Hà Nội có 18/30 quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp. Giá trị chăn nuôi, thủy sản trong sản xuất nông nghiệp chiếm trên 52%. Tổng đàn gia cầm toàn thành phố là gần 23 triệu con, sản lượng thịt gần 82 tấn, sản lượng trứng hơn 1.030 triệu quả. Phát triển 642 trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm quy mô lớn ngoài khu dân cư, với tổng đàn hơn 2,5 triệu con và tập trung chủ yếu tại các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Ba Vì. Sản lượng trứng sản xuất ra hàng năm bình quân đạt hơn 400 triệu quả một năm.

Mặc dù đạt sản lượng lớn là vậy nhưng việc tiêu thụ trứng gia cầm, nhất là đối với các hộ chăn nuôi vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn. Vì về cơ bản các hộ này vẫn chăn nuôi, tiêu thụ heo phương thức tự do, không qua hợp đồng kinh tế, thiếu sự ràng buộc, hợp tác. Theo đó người yếu thế thiệt thòi nhất vẫn là người chăn nuôi và người tiêu dùng sản phẩm, giá thực phẩm bán ngoài thị trường đắt đỏ nhưng tư thương thì mua của hộ chăn nuôi với giá thấp nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế chăn nuôi...

Để giải quyết vấn đề này, đặc biệt là giải quyết tình trạng vệ sinh ATTP, tình trạng chăn nuôi thiếu ổn định bền vững, từ năm 2012 đến nay Hà Nội đã xây dựng được 21 chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm. Trong đó một số chuỗi tiêu thụ sản phẩm trứng gia cầm: chuỗi trứng gà Tiên Viên, chuỗi trứng  729; chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch 3F... 

Bên cạnh đó, thành phố cũng đã có các mô hình chăn nuôi vịt sinh sản giống hướng thịt, chăn nuôi gà bằng thức ăn sinh học... các mô hình chăn nuôi đang trong giai đoạn phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, hiện nay, các trại chăn nuôi gia cầm trứng thương phẩm quy mô lớn chưa nhiều, đa số chăn nuôi nhỏ lẻ và xen kẽ trong khu dân cư. Năng suất, chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa tạo được thương hiệu uy tín để cạnh tranh với thị trường. Tiêu thụ sản phẩm không ổn định, phụ thuộc vào thương lái. Mặt khác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, việc hợp tác với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều. Chính vì vậy, việc kết nối chuỗi liên kết trứng gia cầm thương phẩm trên địa bàn thành phố khi được xây dựng và đi vào hoạt động sẽ giải quyết được tất cả các tồn tại nêu trên, đồng thời sẽ mang lại nguồn lợi cho bà con nông dân và người tiêu dùng.

Tại Hội thảo, đại diện công ty TNHH Ba Huân cho biết, sau thành công kinh doanh chuỗi trứng gà sạch và các sản phẩm sạch của Ba Huân ở phía Nam, công ty tiếp tục mở rộng thị trường ra phía Bắc. Địa phương công ty chọn  để xây dựng nhà máy xử lý trứng gia cầm sạch theo công nghệ hàng đầu châu Âu là huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Sau khi ổn định, công ty TNHH Ba Huân sẽ thực hiện liên kết với các hộ, đơn vị để hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi. Theo đó, khi bà con tham gia vào chuỗi sản xuất sẽ được công ty hỗ trợ kỹ thuật, con giống, bao tiêu sản phẩm… và tránh rủi ro thấp nhất có thể xảy ra cho các hộ khi tham gia. Hiện nay, chương trình đã được thử nghiệm tại một số hộ và cho kết quả khả quan. Dự kiến nhà máy xử lý trứng sạch Ba Huân tại huyện Phúc Thọ sẽ hoàn thiện vào cuối năm nay và sẽ hoạt động vào đầu năm 2017.

Về phía địa phương, theo ông Hoàng Mạnh Phú, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, thì  Phúc Thọ là một huyện ngoại thành, sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao. Trong đó huyện rất chú trọng phát triển ngành chăn nuôi, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm 60,2% tỷ trọng ngành nông nghiệp. Đến nay huyện đã có một số sản phẩm có vị thế như rau muống Tiến Vua, Rau Thanh Đa, bưởi đường Phúc Thọ, thịt lợn an toàn sinh học đã có thương hiệu… Đây là xu hướng phát triển nông nghiệp sạch, bền vững, an toàn và chất lượng, rõ nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Chính vì vậy huyện luôn mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất nông sản an toàn.

Việc xây dựng nhà máy xử lý trứng gia cầm sạch Ba Huân trên địa bàn huyện Phúc Thọ theo ông Phú sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân trong huyện cũng như các địa phương khác trên địa bàn thành phố. Sau khi đi vào hoạt động ổn định, Hà Nội sẽ có thêm nhiều nhà máy xử lý trứng sạch cũng như chuỗi liên kết sản xuất, giúp cho bà con có hướng đi bền vững, hợp xu hướng và có thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao đời sống. 

Đánh giá về việc kết nối chuỗi liên kết trứng gia cầm thương phẩm thông qua việc xây dựng nhà máy xử lý trứng gà sạch của Công ty TNHH Ba Huân, TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng. Việc thực hiện liên kết sản xuất hiện nay nằm trong chỉ đạo của Bộ NN&PTNT cho các cơ sở chăn nuôi, phục vụ tái cơ cấu ngành chăn nuôi, nâng cao giá trị sản xuất đồng thời phục vụ cho chương trình TPP sắp tới. Việc xây dựng chuỗi rất quan trọng, thực tế nó mang lại rất nhiều lợi ích cho cả người chăn nuôi, hệ thống chăn  nuôi cũng như người tiêu dùng.

Tú Mai

Top