Kết nối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với các ngân hàng thương mại
(Chinhphu.vn) - Chiều 15/8, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hà Nội, Quỹ Đầu tư phát triển TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị kết nối giữa Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với các ngân hàng thương mại, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội năm 2022.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp gồm các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường của Thành phố, cùng 43 chủ đầu tư các cụm công nghiệp và gần 20 ngân hàng thương mại.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đây là một hoạt động thiết thực nhằm kết nối, tạo điều kiện để các ngân hàng, các quỹ giới thiệu các chương trình, các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại, chủ đầu tư các cụm công nghiệp... được tìm hiểu thông tin, tháo gỡ khó khăn về vốn, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh năm 2022 và các năm tiếp theo.
Bà Trần Thị Phương Lan mong rằng, thông qua Hội nghị, các các ngân hàng, các quỹ sẽ có mối liên kết, trao đổi thông tin, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chủ động, nhanh chóng tiếp cận, khai thác và tận dụng được nhiều hơn các nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh; các hội, hiệp hội doanh nghiệp phát huy hơn nữa vai trò cầu nối của các doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng, trong công tác hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên và các doanh nghiệp trên địa bàn.
"Ngay sau Hội nghị này, đề nghị các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng để triển khai hiệu quả việc kết nối, xúc tiến vay vốn từ các tổ chức tín dụng, phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tích cực tham gia các chương trình kích cầu của Sở, đẩy nhanh khởi công hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, đưa các cụm, khu nhanh chóng đi vào hoạt động", bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, đa số doanh nghiệp kiến nghị Thành phố có những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn; đồng thời mong muốn các quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách tốt hơn.
Ông Lưu Hải Minh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội mong muốn qua hội nghị này, các ngân hàng cung cấp đầy đủ thông tin về các chương trình ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp; kết nối với các ngân hàng, các quỹ để nắm bắt được các thông tin về nguồn vốn vay, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hiệp hội về các thủ tục hồ sơ vay vốn và bảo đảm tính chính xác của hồ sơ, phương án sản xuất kinh doanh...
"Các doanh nghiệp công nghệ chủ lực đều là các doanh nghiệp lớn trong sản xuất công nghiệp, nên rất chú trọng đến vấn đề nghiên cứu phát triển. Do vậy, các doanh nghiệp rất mong muốn các quỹ đầu tư và các ngân hàng quan tâm đầu tư cho vay vốn ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ", ông Lưu Hải Minh nhấn mạnh.
Đại diện mảng công nghiệp hỗ trợ của TP. Hà Nội, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) chia sẻ, sau 2 năm gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển hướng sang kinh doanh mảng khác. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh mảng công nghiệp hỗ trợ, yếu tố cần và đủ là cơ chế chính sách cần cơ chế cụ thể cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó là hạ tầng đất đai tiêu chuẩn để doanh nghiệp nước ngoài vào đặt hàng; nguồn lực về tài chính, nguồn vốn kinh doanh mua sắm máy móc thiết bị.
Ông Vân kiến nghị, các tổ chức ngân hàng quan tâm cho các doanh nghiệp ngành hỗ trợ được tiếp cận nguồn vốn tốt, thời hạn cho vay dài, bởi nhiều doanh nghiệp hỗ trợ phải đầu tư 2-3 năm mới có lãi, thậm chí phải 5-10 năm. Bên cạnh đó, mở ra thêm các hình thức tín chấp bởi trên thực tế nhiều doanh nghiệp "cởi áo vest ra là hết tiền".
"Doanh nghiệp có thể thế chấp bằng máy móc thiết bị, nhà xưởng, có thêm hình thức bảo lãnh 3 bên. Đề xuất Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội xem xét tài trợ cho vay các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, đặc biệt trong bối cảnh hậu COVID-19, sau COVID-19 nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất 3 tại chỗ", ông Vân kiến nghị.
Sau khi lắng nghe các chia sẻ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hà Nội khẳng định, phía ngân hàng luôn luôn cần doanh nghiệp chứ không chỉ doanh nghiệp cần ngân hàng. Đây là mối quan hệ cộng sinh, đáp ứng mong muốn của cả hai bên.
Ông Tuấn cũng cho biết, quan điểm chung của các ngân hàng là cùng nhau giải quyết "bài toán" khó khăn, đó là vừa giữ được lãi suất vừa kiềm chế lạm phát. Quan điểm là giữ mức lãi suất hiện tại và tìm cách tiết giảm chi phí. Đó là nỗ lực rất lớn của các ngân hàng.
Đồng thời, ông Tuấn kêu gọi các ngân hàng dành những ưu đãi tốt nhất cho doanh nghiệp và mong muốn Sở Công Thương, Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội thường xuyên có sự phối hợp, hằng năm tổ chưc hội nghị, để các doanh nghiệp, ngân hàng có cơ hội gặp gỡ trao đổi; các Hội, hiệp hội cố gắng tổng hợp những nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp thông qua Sở Công Thương truyền tải cho các ngân hàng thương mại để có phương án giải quyết tốt nhất cho doanh nghiệp, đặc biệt là đóng góp tốt nhất cho phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.
Thùy Linh