Kết nối giao thông nông thôn từ những cây cầu
(Chinhphu.vn) – Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp những cây cầu yếu, cầu tạm xuống cấp có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhu cầu đi lại của người dân, giúp kết nối giao thông nông thôn ở các huyện ngoại thành lại với nhau.
Cầu Là ở huyện Thường Tín-lan can hầu như đứt gãy hết, 1/3 trên chiều dài nhịp cũng đã gẫy. Ảnh: Thành Nam |
Niềm vui từ những cây cầu xây mới
Ngoài 34 cây cầu đã được đưa vào danh mục cấp bách năm 2011, hiện Hà Nội còn tới 30 cây cầu yếu hoặc vị trí cần có cầu qua sông, đại đa số nằm rải rác tại các huyện ngoại thành. Điển hình như cầu Zét, ở xã Tốt Động (Chương Mỹ) là một trong số những cây cầu đó. Đến cuối năm 2016, cầu Zét được xây mới lại với tổng mức đầu tư gần 65 tỷ đồng.
Người dân khu vực cầu Zét cho biết, trước đây cứ mưa lớn, nước lên là cầu Zét cũ lại bị ngập, chia cắt hai bên bờ sông nhưng từ ngày có cầu mới, tình trạng này đã chấm dứt hẳn.
Đại diện Phòng Quản lý đô thị, UBND huyện Chương Mỹ cho biết, cầu Zét nằm trên trục đường liên xã, lại kết nối thẳng ra đường Hồ Chí Minh nên có vai trò rất quan trọng. Từ ngày có cây cầu mới, việc giao thương, đi lại của nhân dân khu vực đã được bảo đảm tuyệt đối, kể cả trong mùa mưa lũ.
Ngoài ra, cũng còn nhiều cây cầu nhỏ với mức đầu tư chỉ dưới 50 tỷ đồng, nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với giao thông nông thôn của Hà Nội đã được hoàn thành đưa vào sử dụng như: Cầu Từ Châu (Thanh Oai); cầu Bầu (Ứng Hòa); cầu Chi Phú (Ba Vì); cầu Đào Xuyên (Gia Lâm) …
Niềm vui của người dân ngoại thành khi được đi trên những cây cầu mới thật khó để tả hết. Anh Trần Văn Hưng (Liên Châu, Thanh Oai) cho biết: “Trước đây cầu Từ Châu nhỏ, yếu, chúng tôi phải đưa nông sản bằng xe thô sơ ra đường lớn để chất lên xe tải chở đi. Bây giờ có cầu mới, to rộng đàng hoàng, xe tải vào tận nơi bốc hàng bà con phấn khởi lắm”.
Tìm phương án thay thế dần cầu tạm, cầu yếu
Trên thực tế, khu vực ngoại thành Hà Nội hiện vẫn còn rất nhiều cầu cũ, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, tác động tiêu cực đến khả năng lưu thông và đời sống của nhân dân như cầu Cao Thiên (Thạch Thất), bề rộng 2,3 m, hiện tại đã hư hỏng nặng, lại nằm trên trục kết nối TL419 với đường huyện DH10 đã được mở rộng mặt cắt lên 9 m.
Hay cầu Tây Ninh (Phúc Thọ), dầm thép đã bị han gỉ, trùng võng; lan can hầu như đứt gãy hết, 1/3 trên chiều dài nhịp cũng đã gẫy hoặc như cầu Là (Thường Tín), lớp bê tông bên ngoài vỡ lần mòn, đã lộ cả cốt thép, tại các trụ, mố và bề mặt cầu; lan can nứt, gãy, gối thép han gỉ; cầu còn đang có hiện tượng lún dần…
Mặc dù đã cũ, hỏng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng người dân vẫn phải đi lại qua những cây cầu nêu trên hằng ngày. Đặc biệt, một số nơi chưa có cầu, người dân còn phải sang sông bằng đò hoặc làm cầu phao tự phát vô cùng nguy hiểm.
Trước tính cấp bách đó, vừa qua Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội đã kiến nghị UBND TP. Hà Nội ưu tiên bố trí vốn để khởi công xây dựng 8 cây cầu yếu đã cơ bản đủ điều kiện để triển khai trong giai đoạn 2017-2020. Hiện nay, Sở Giao thông vận tải cũng đã và đang phối hợp với từng huyện tìm kiếm các giải pháp phù hợp, huy động tối đa nguồn lực xã hội để chủ động với các phương án thay thế dần các cầu tạm, cầu yếu.
Trong số 34 công trình cầu được đưa vào danh mục cấp bách của TP. Hà Nội năm 2011, 16 cầu đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; 3 chiếc đang thi công; 5 dự án đang hoàn tất thủ tục, chuẩn bị khởi công trong năm nay và 2 dự án sẽ khởi công trong năm 2018.
Ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Kế hoạch, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội cho biết, theo khảo sát của các địa phương, trên địa bàn Thành phố còn khoảng 30 cầu yếu và vị trí cần xây cầu để bảo đảm an toàn giao thông, kết nối khu vực nông thôn Hà Nội.
Được biết, tổng mức đầu tư cho cả 30 cây cầu này khá khiêm tốn, chỉ khoảng trên 600 tỷ đồng nhưng lại có ý nghĩa lớn và vô cùng cấp thiết đối với đời sống của nhân dân khu vực ngoại thành Hà Nội.
Thành Nam