Kết nối, tiêu thụ sản phẩm làng nghề Hà Nội-Viêng Chăn
(Chinhphu.vn) - Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 20-24/4, Đoàn đại biểu Thủ đô Hà Nội do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà dẫn đầu đã dự Hội nghị "Phát triển làng nghề, vùng nguyên liệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm Hà Nội-Viêng Chăn 2023”.
Hội nghị có sự tham gia của 29 doanh nghiệp của thành phố Hà Nội, gồm các hội, hiệp hội các nghệ nhân đại diện cho nhiều làng nghề nổi tiếng của Hà Nội, như: Lụa Vạn Phúc, sừng mỹ nghệ Thụy Ứng, sơn mài Hạ Thái Duyên Thái, gốm Bát Tràng, khảm trai chuyên Mỹ…; các doanh nghiệp chế biến nông sản, các doanh nghiệp thương mại… và trên 50 doanh nghiệp của Lào.
Tại hội nghị, hai bên đã trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển làng nghề, liên kết phát triển vùng nguyên liệu; kết nối tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp, nông sản thực phẩm… giữa các doanh nghiệp, nghệ nhân làng nghề của hai Thủ đô.
Đáng chú ý, đã có 12 biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) được ký giữa doanh nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp Lào, mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh cho doanh nghiệp của hai bên. Cụ thể, đã có 3 biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phát triển vùng nguyên liệu của doanh nghiệp Hà Nội tại Lào; 8 biên bản ghi nhớ hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ Lào sang Việt Nam; một biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm từ Việt Nam sang Lào.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, Thủ đô Hà Nội không ngừng vun đắp, tăng cường các hoạt động hợp tác trên tất cả các lĩnh vực với Thủ đô Viêng Chăn và nhiều địa phương khác của Lào. Trong đó, hợp tác kinh tế trở thành nền tảng lâu dài trong quan hệ giữa hai Thủ đô của hai nước và ngày càng bền chặt, khởi sắc.
Theo đánh giá, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Lào đang phát triển vượt bậc. Năm 2022, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 180 triệu USD, tăng 52,5% so với năm 2021. Tính đến nay, Việt Nam đã đầu tư 214 dự án tại Lào với tổng số vốn 5,34 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào. Lào luôn duy trì vị trí thứ nhất trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Các dự án của Việt Nam tại Lào đang phát huy hiệu quả trong nhiều lĩnh vực như thủy điện, cơ sở hạ tầng, hàng không, tài chính, ngân hàng, viễn thông, nông nghiệp…, đóng góp tích cực nhiều mặt cho kinh tế - xã hội của Lào. Về phía Lào, lũy kế đến nay, tổng vốn FDI đăng ký của Lào vào TP. Hà Nội là 10,5 triệu USD, trong đó, có 5 dự án cấp mới với vốn đăng ký 4,34 triệu USD; 4 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị góp vốn 6,172 triệu USD.
Hợp tác thương mại giữa TP. Hà Nội và Lào ngày càng khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của Hà Nội sang Lào ước đạt 200 triệu USD (chiếm tỷ trọng 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội năm 2022), tăng 20% so với năm 2021. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Lào năm 2022 là khoáng sản (chiếm tỷ trọng 14,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang Lào); cơ kim khí (chiếm tỷ trọng 14,4%); linh kiện điện tử - vi tính (chiếm tỷ trọng 5,3%).
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội năm 2022 từ Lào ước đạt 211 triệu USD (chiếm tỷ trọng 0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội năm 2022), tăng 12,6% so với năm 2021. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Lào năm 2022 gồm: nông sản các loại (chiếm tỷ trọng 14,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội); phân bón các loại (chiếm tỷ trọng 12,2%); thực phẩm (chiếm tỷ trọng 6%).
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh, đây là hoạt động hết sức thiết thực, ý nghĩa, tạo điều kiện để chính quyền và doanh nghiệp hai Thủ đô tiếp xúc, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển làng nghề, kết nối tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp, nông sản thực phẩm… giữa các doanh nghiệp, nghệ nhân làng nghề của hai Thủ đô, liên kết hợp tác phát triển vùng nguyên liệu chuối, gừng, ớt, cây đót…
Để tiếp tục triển khai các nội dung đã ký kết của Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Đảng bộ, chính quyền 2 địa phương, TP. Hà Nội đã giao Sở Công Thương Thành phố tiếp tục phối hợp Sở Công thương TP Viêng Chăn xúc tiến các hoạt động kết nối sản phẩm, giới thiệu, trao đổi về tiềm năng, thế mạnh mở ra cơ hội phát triển làng nghề, đầu tư, kinh doanh trong tương lai. Qua đó, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai Thủ đô ngày càng thiết thực, hiệu quả, đi vào chiều sâu, tiếp tụᴄ mở ra một thời kỳ phát triển mới, năng động, ᴠì lợi íᴄh ᴄủa Nhân dân hai nướᴄ, hai Thủ đô, ᴠì hòa bình, ổn định, thịnh ᴠượng chung ᴄủa khu ᴠựᴄ.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Đoàn công tác đã chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2023-2025 giữa Sở LĐTB&XH Hà Nội với Sở Lao động và Phúc lợi xã hội Thủ đô Viêng Chăn.
Theo đó, hai bên duy trì các hoạt động trao đổi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực chuyên môn hai Sở đang đảm nhiệm trên tinh thần hiệu quả, chất lượng, phù hợp với quy định của hai Thủ đô và hai nước. Đáng chú ý, Sở LĐTB&XH Hà Nội hỗ trợ Sở Lao động và Phúc lợi xã hội Viêng Chăn tổ chức công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho cán bộ, giáo viên dạy nghề của TP Viêng Chăn. Các ngành nghề dự kiến đào tạo, như: công nghệ thông tin, chế biến món ăn và dịch vụ, chăm sóc sắc đẹp và thiết kế các kiểu tóc, công nghệ thời trang…
Bích Phương