Kết nối xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Trong những năm qua, mặt hàng thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong nhóm mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn; đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, là ngành nghề thu hút nhiều lao động tham gia, góp phần xoá đói giảm nghèo ở nông thôn.
Du khách tham quan, mua sắm tại hội chợ Hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2023. Ảnh: VGP/Bích Phương
Chưa phát huy hết tiềm năng
Hiện TP. Hà Nội có 1.350 làng nghề với khoảng 176 nghìn hộ làm nghề, chiếm 45% tổng số làng nghề trong cả nước. Trong đó, số lượng cơ cấu nhóm ngành nghề gồm các nhóm: Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; chế biến, bảo quản nông sản.
Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bao gồm sản phẩm may mặc; sản phẩm gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng; sản phẩm cơ khí; chế biến nông sản…, nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu đi các thị trường chất lượng cao như: Nhật Bản, Mỹ, EU, Dubai, Nga và một số nước châu Á, Đông Nam Á.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, các nghề thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đã và đang phát huy những giá trị truyền thống to lớn, tạo dựng bản sắc văn hóa riêng của Thăng Long – Hà Nội. Các sản phẩm hàng hóa thủ công mỹ nghệ thúc đẩy gia tăng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, giải quyết và nhiều việc làm cho lao động ngoại thành, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Tuy nhiên, theo đánh giá hiện nay, nghề thủ công mỹ nghệ của Hà Nội chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường, chưa có tính cạnh tranh nổi trội so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines...
Một trong các nguyên nhân chính là việc mẫu mã sản phẩm chậm đổi mới; một số sản phẩm thiết kế mới thiếu tính sáng tạo, làm theo các khuôn mẫu có sẵn trên thị trường hoặc làm theo mẫu do khách hàng đặt; ý tưởng thiết kế chưa xuất pháp từ nhu cầu của từng thị trường.
Nhiều nghệ nhân, thợ giỏi sáng tác mẫu đẹp về mỹ thuật nhưng thiếu tính thương mại, chưa phù hợp với thị hiếu khách hàng hoặc khó sản xuất đáp ứng các đơn hàng lớn, còn có sản phẩm đơn giản giá trị thấp…
Hướng đến xuất khẩu
Không chỉ phục vụ thị trường trong nước, thị trường mà các nghệ nhân làng nghề thủ công mỹ nghệ hướng đến đó là xuất khẩu. Bởi lẽ, việc này đem lại nhiều lợi ích về kinh tế cho những người thợ và cả quốc gia.
Chuyên gia thủ công mỹ nghệ Vũ Huy Thiều cho rằng, hiện nay các nghệ nhân tham gia rất nhiệt tình vào các cuộc thi thiết kế mẫu và thể hiện được khả năng sáng tạo cũng như tay nghề của họ rất tốt. Tuy nhiên, có một nhược điểm, đó là họ chưa bám sát thị trường. Nhiều nghệ nhân sáng tác dựa trên thế mạnh và sở trường chứ chưa nghĩ tới việc sản phẩm này bán ở những thị trường nào và dự định bán với giá cả bao nhiêu.
Nếu so sánh với các địa phương khác, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội thuộc hàng đầu trong cả nước không những về số lượng, về số ngành nghề mà còn cả về chất lượng của sản phẩm. Nhưng nếu so với sản phẩm của các nước thì sản phẩm của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn yếu thế hơn họ. Bởi lẽ, các nước như Trung Quốc, Ấn Độ… họ "bám" vào thị trường tốt hơn. Do đó, nếu các nghệ nhân có ý thức tìm hiểu sâu hơn về thị trường thì chắc chắn sản phẩm của họ sẽ rất hiệu quả.
"Nhiều nghệ nhân sáng tạo ra sản phẩm nhưng họ không hiểu thị trường, không biết sản phẩm đó khách hàng mua và dùng vào việc gì, do đó, các nghệ nhân không hoàn thiện được sản phẩm theo mong muốn của khách", ông Vũ Huy Thiều nói.
Tuy nhiên, theo ông Thiều, rất cần vai trò cầu nối của cơ quan quản lý nhà nước giúp các nghệ nhân tiếp cận, nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Các chuyên gia nhận định, việc sáng tạo ra sản phẩm mới đã khó, nhưng để các sản phẩm của các nghệ nhân có chỗ đứng vững chắc trên thị trường chắc chắn chúng ta không chỉ dừng ở các cuộc thi mà cần phải đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm….
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh, để nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Sở đã tổ chức rất nhiều buổi tập huấn, tư vấn cho các nghệ nhân cũng như các cuộc thi thiết kế mẫu mã sản phẩm, hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ. Qua đó, Sở Công Thương kỳ vọng các nghệ nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có những mẫu sản phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao, góp phần đa dạng hóa mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
"Việc thay đổi, cải tiến mẫu mã sản phẩm là cần thiết để ngành thủ công mỹ nghệ có thể cải thiện năng lực cạnh tranh, sẵn sàng hội nhập với nền kinh tế quốc tế...", bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, ngoài việc tổ chức tập huấn, tư vấn cho các nghệ nhân cũng như các cuộc thi thiết kế mẫu mã sản phẩm, hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ cũng cần tăng cường xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với làng nghề truyền thống, ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống; gắn sản xuất với giữ gìn bản sắc văn hóa, lịch sử phát triển làng nghề để mỗi làng nghề trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa sống động…
Đồng thời, việc đưa hàng thủ công lên nền tảng thương mại điện tử cũng đem lại nhiều hiệu quả thiết thực như tăng doanh thu, giảm chi phí, quảng bá thương hiệu và tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn. Thương mại điện tử xuyên biên giới đang là vấn đề mới đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ nói riêng.
Diệu Anh