Kết nối, xúc tiến xuất khẩu nông sản chính ngạch của Hà Nội và các tỉnh thành
(Chinhphu.vn) - Ngày 15/12, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Hội nghị “Kết nối, xúc tiến xuất khẩu nông sản chính ngạch của Hà Nội và các tỉnh, thành phố; phổ biến việc thực thi các cam kết về SPS trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand (RCEP)”.
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các Cục của Bộ NN&PTNT, cùng đại diện của các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Hà Nội có vị trí địa lý, chính trị quan trọng, là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, với mạng lưới phân phối lớn, đồng bộ, hiện đại. Đồng thời là đầu mối về giao thông, logistic trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, qua đó thúc đẩy sự phát triển sản xuất, kinh doanh của cả nước nói chung, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế phía Bắc nói riêng.
Trong những năm qua, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung nhằm tạo nguồn nguyên liệu có sản lượng lớn, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu với 35 vùng lúa, 104 vùng rau, 56 vùng cây ăn quả, 6 vùng chè, 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 48 vùng chăn nuôi lợn trọng điểm, 54 vùng chăn nuôi bò trọng điểm, 60 vùng chăn nuôi gia cầm tập trung...
Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 70.779 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 454 chợ, 141 siêu thị, 25 trung tâm thương mại. Trong đó, có 113 kho lạnh bảo quản các sản phẩm nông lâm thủy sản, với 7 kho lớn làm dịch vụ bảo quản với diện tích 29 nghìn m2 phục vụ tốt cho hoạt động logistic nông sản phục vụ xuất khẩu; 250 doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, sản phẩm nông sản được chế biến sâu với chủng loại phong phú, đa dạng. Thành phố đã tổ chức đánh giá, xếp hạng đối với 1.649 sản phẩm OCOP, trong đó có 20 sản phẩm tiềm năng 5 sao xuất khẩu, 1.098 sản phẩm đạt 4 sao, 534 sản phẩm đạt 3 sao.
Theo số liệu của Cục thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Hà Nội đạt gần 1.6 tỷ USD, trong đó hàng nông sản thực phẩm đạt 797 triệu USD, tăng 14,2%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 789 triệu USD, tăng 16,9%, trong đó đa số các doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội đặt nhà máy tại Hà Nội và tại các tỉnh, thu mua nguyên liệu các tỉnh, thành phố để đóng gói, xuất khẩu. Một số sản phẩm nông sản mũi nhọn của Hà Nội, có chất lượng cao và xuất khẩu đi các nước như nhãn muộn Đại Thành - Quốc Oai xuất khẩu đi Mỹ; gạo hữu cơ Đồng Phú xuất khẩu đi Đức; rau Văn Đức xuất khẩu Hàn Quốc; chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc...
Thành phố Hà Nội đã được cấp 16 mã số vùng trồng cây ăn quả và 4 cơ sở đóng gói với công suất từ 30-50 tấn/ngày/cơ sở để phục vụ xuất khẩu, trong đó 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 8 mã số cấp cho vùng trồng nhãn. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục phát triển nhiều sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu như hơn 7.000 ha lúa Japonica; 3.200 ha chuối tiêu hồng; hơn 5.000 ha rau an toàn; 100 ha rau hữu cơ và nhiều sản phẩm chế biến có tiềm năng xuất khẩu….
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội và Bộ NN&PTNT đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước giải đoạn 2021-2025” để làm cơ sở triển khai các kế hoạch trọng tâm. Đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, quy mô các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của Hà Nội và các tỉnh, thành phố theo chuẩn mực quốc tế nhằm phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong năm 2022, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật) tổ chức Hội nghị phổ biến quy định trong xuất khẩu nông sản tại một số thị trường trọng điểm; tổ chức tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản về các quy định về chất lượng, ATTP, kiểm soát thực phẩm xuất nhập khẩu, tuyên truyền về các hiệp định FTA, EVFTA, CTPP; phối hợp biên tập cuốn cẩm nang các quy định về rào cản kỹ thuật, quy định kiểm dịch, quy định về an toàn thực phẩm tại một số thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Để tiếp tục trong chuỗi hoạt động tăng cường các giải pháp kết nối, xúc tiến xuất khẩu nông sản chính ngạch của Hà Nội và các tỉnh, thành phố, tại Hội nghị hôm nay các đơn vị, tỉnh thành đã chia sẻ thông tin về tiềm năng thị trường, hướng dẫn đăng ký mã số vùng sản xuất; quy định kiểm dịch, quy trình kiểm soát nhập khẩu của các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, Hợp tác xã của Hà Nội và các tỉnh, thành phố nắm bắt các thông tin, quy định để kịp thời thay đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của các nước. Qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương bền vững, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Thiện Tâm