Khắc phục khó khăn để nhanh chóng hỗ trợ người lao động

04/08/2021 12:46 PM

(Chinhphu.vn) – Theo Sở Lao động, thương binh và xã hội Hà Nội, Nghị quyết 68 của Chính phủ đang được TP. Hà Nội triển khai đồng loạt ở các quận huyện của Hà Nội. Ghi nhận của phóng viên từ một số quận, huyện cho thấy, dù rất tích cực, nhưng ở một số địa bàn, chưa thể đẩy nhanh hơn do một số khó khăn về quy định cụ thể cũng như việc hạn chế trong thời gian giãn cách.

Chi trả hỗ trợ cho người lao động khó khăn theo Nghị quyết 68. Ảnh: Minh Anh

Theo bà Bùi Thị Hương, Trưởng phòng Lao động thương binh và xã hội huyện Hoài Đức, triển khai Nghị quyết số 68/QĐ-CP; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức đã hướng dẫn thành lập 05 tổ thẩm định xét duyệt hồ sơ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn; hằng ngày đôn đốc các xã, thị trấn triển khai thực hiện, nắm bắt tình hình tâm tư, nguyện vọng của người dân trên địa bàn và báo cáo về phòng để có căn cứ tham mưu UBND huyện kịp thời. Đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn, cả những đối tượng thuộc thẩm quyền ban hành quyết định của UBND huyện và những những đối tượng khác.

Hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời người lao động gặp khó khăn

Đến nay, huyện đã rà soát và lập danh sách 1.835 doanh nghiệp giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND huyện, Phòng Lao động thương binh và xã hội đã rà soát, thống kê 1.228 hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế trên địa bàn huyện phải tạm dừng hoạt động theo Chỉ thị số 17.  Huyện Hoài Đức cũng đã hỗ trợ lao động nghỉ việc không hưởng lương (đợt 1) cho 13 người lao động với số tiền: 59.230.000 đồng.

Bà Bùi Thị Hương cho biết, ngay trong ngày 3/8, huyện đã thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ cho người lao động bằng 02 hình thức: tiền mặt và chuyển khoản. Dự kiến kinh phí hỗ trợ (đợt 2) là gần 700 triệu đồng. Về việc hỗ trợ từ nguồn xã hội hoá các đối tượng ngoài các quy định tại Nghị quyết 68, Hoài Đức đã hỗ trợ 25 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; trên 5.000 hộ là người dân trong khu vực bị phong toả. Hỗ trợ hơn 1.000 đối tượng hộ cận nghèo với 2.699 khẩu với tổng số tiền là hơn 500 triệu đồng. Người lao động ngoại tỉnh (làm việc tại các công trình xây dựng trên địa bàn): 307 người bằng hiện vật với 2 tấn gạo; 500kg rau; 200 kg thịt lợn được huyện hỗ trợ ngay trong ngày sau khi nhận được thông tin phản ánh từ cơ sở.

Đối với nhóm đối tượng lao động tự do, Phòng Lao động thương binh và xã hội phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, phát đơn đề nghị hỗ trợ đến từng đối tượng và cung cấp số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.

Theo bà Bùi Thị Hương, Phòng Lao động thương binh và xã hội Hoài Đức đã cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra hồ sơ online, chỉ khâu cuối cùng hoàn thiện hồ sơ thì đơn vị mới phải đến nộp trực tiếp. Đảm bảo các đơn vị không phải đi lại nhiều lần để chỉnh sửa hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Tuy nhiên, hiện nay một số khó khăn đặt ra đối với triển khai nghị quyết do thực tế tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Thành phố nên người lao động và người sử dụng lao động chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu.

Ông Vũ Tuyết Thương, Trưởng phòng Phòng Lao động thương binh và xã hội của quận Hoàn Kiếm cho biết, Quận đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất, tiếp nhận tổng số tiếp nhận: 153 lao động/04 doanh nghiệp với kinh phí hỗ trợ là 1,2 tỷ đồng.

Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo Nghị quyết 68, chi mức hỗ trợ 3.710.000 đồng/người; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em (mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/trẻ/người); hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) (mức hỗ trợ: 1.500.000 đồng/người).

Về hỗ trợ đối với Hộ kinh doanh, Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, hiện Chi cục Thuế đang phối hợp với UBND các phường rà soát và hướng dẫn hộ kinh doanh hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Phòng Giáo dục - Đào tạo quận đã thực hiện rà soát các cơ sở giáo dục tư thục…

Theo ông Vũ Tuyết Thương, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, nhà nước, có ý nghĩa quan trọng nhằm hỗ trợ kịp thời người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; giúp cho doanh nghiệp và người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, thể hiện tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Quận Tây Hồ cũng đang tích cực triển khai hiệu quả Nghị quyết 68 của Chính phủ và đảm bảo an sinh xã hội trong giai đoạn Hà Nội và cả nước quyết tâm phòng chống đại dịch COVID-19.  

UBND quận Tây Hồ quyết định bổ sung kinh phí hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 năm 2021 trên địa bàn quận Tây Hồ. Đợt 1 sẽ bổ sung kinh phí hơn 19 tỷ đồng.

Trước những khó khăn mà người lao động trên địa bàn quận đang gặp phải, Bảo hiểm Xã hội quận Tây Hồ cho biết cũng đã giải quyết giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 2.709 đơn vị với 29.998 lao động và số tiền giảm trong tháng 7: 978.306.571 đồng. Xác nhận 06 doanh nghiệp với 90 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Đến thời điểm ngày 03/8/2021, trên địa bàn quận Tây Hồ đã có 02 phường đi đầu trong việc hỗ trợ người lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Cụ thể, UBND phường Nhật Tân đã xét duyệt 40 hồ sơ với tổng số tiền hỗ trợ 60.000.000đ; phường Bưởi xét duyệt 19 hồ sơ, với tổng số tiền hỗ trợ 28.500.000đ. Đồng thời, để nhanh chóng hỗ trợ cho người lao động trên địa bàn, UBND các phường đã chỉ đạo các tổ Covid cộng đồng, tổ trưởng tổ dân phố, cảnh sát khu vực rà soát đối tượng cần được hỗ trợ, đến từng nhà phát mẫu đơn đề nghị hỗ trợ và hướng dẫn kê khai hồ sơ; trực tiếp đến nhà nhận lại hồ sơ chuyển UBND phường thực hiện xét duyệt đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác hỗ trợ trong khi đang thực hiện giãn cách xã hội.

Theo ông Phạm Xuân Tài - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết,Đảng bộ chính quyền quận Tây Hồ đã và sẽ tiếp tục có những chính sách cụ thể, kịp thời giúp những người lao động trên địa bàn Quận yên tâm ổn định cuộc sống, cùng thành phố nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND phòng, chống dịch bệnh COVID 19.

Gỡ vướng trong triển khai Nghị quyết 68

Trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mỗi người dân, đặc biệt là đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, nhưng công tác hỗ trợ các đối tượng tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hoàn Kiếm đã luôn nhận được quan tâm chỉ đạo sâu sát, thiết thực của cấp ủy, HĐND, UBND quận, sự vào cuộc có hiệu quả của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể quận về công tác đảm bảo an sinh xã hội mang lại hiệu quả thiết thực. Ðời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID – 19 dần được ổn định tạo được sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt tình của mọi tầng lớp nhân dân góp phần ổn định xã hội, giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Cũng theo Trưởng phòng Lao động thương binh và xã hội quận Hoàn Kiếm, thực tế triển khai cho thấy một số khó khăn vướng mắc hiện nay là việc quy định cụ thể về lao động tự do còn nhiều vướng mắc như chưa có quy định cụ thể những trường hợp, ngành nghề cụ thể nào được quy định là lao động tự do dẫn đến việc gây khó khăn trong quá trình rà soát.

Do trong thời gian đang thực hiện giãn cách nên việc xác nhận thường trú, tạm trú là không thực hiện được. Không có quy định cụ thể về ngành nghề là lao động tự do.

Bên cạnh đó, do không có danh mục cụ thể về ngành nghề của đối tượng lao động tự do nên việc hướng dẫn đến người lao động và việc xét duyệt hồ sơ khó khăn. Có những trường hợp do dịch bệnh không tìm được việc làm từ năm 2020, lại không đúng tiêu chí mất việc từ tháng 5/2021.

Các trường hợp F1 đã hoàn thành cách ly tập trung tuy nhiên tại thời điểm kết thúc cách ly (25/5/2021), cơ sở cách ly tập trung không cấp các giấy tờ liên quan đến kinh phí thực hiện cách ly nên công dân chưa thể thiết lập hồ sơ đề nghị. Đối với lao động tự do khi làm việc tại địa bàn khác ngoài quận Hoàn Kiếm hoặc ngoài phường thì việc xét duyệt hồ sơ là không đủ cơ sở (theo Quyết định của Thành phố không yêu cầu công dân phải cung cấp bằng chứng chứng minh nghề nghiệp, nơi làm việc).

Việc triển khai trong thời gian thực hiện giãn cách chủ yếu qua hệ thống loa truyền thanh và qua Công văn của UBND phường nên nhiều cán bộ cơ sở, người dân còn chưa nắm rõ các nội dung cụ thể vì người dân phải ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo Bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội Hà Nội, điều kiện, tiêu chí, quy trình, thủ tục để triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP đã được quy định rõ tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, nên về cơ bản, Hà Nội sẽ khoanh vùng các đối tượng cần hỗ trợ theo định hướng của Trung ương.

Riêng với các hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19, trước khi có Nghị quyết số 68/NQ-CP, Hà Nội đã thống nhất chủ trương hỗ trợ cho đối tượng này, do Cục Thuế thành phố Hà Nội chủ trì thực hiện. Để tránh trường hợp chồng chéo, trùng lặp, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cùng ngành Thuế sẽ rà soát, sàng lọc, bảo đảm mỗi người chỉ nhận được một chính sách hỗ trợ mức cao nhất.

Đối với nhóm lao động tự do, đối tượng ưu tiên đề xuất hỗ trợ là người lao động làm công việc tự do, bị ảnh hưởng về việc làm tại những địa bàn phải cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19 theo quyết định của các cơ quan có thẩm quyền. Cùng với đó là những người làm các công việc không có giao kết hợp đồng lao động tại những địa điểm, lĩnh vực có thời gian dài phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố và các địa phương (bán nước vỉa hè, cắt tóc, gội đầu, spa…). Người được hỗ trợ phải có hoàn cảnh khó khăn, không phải tất cả lao động tự do đều được hỗ trợ.

Điều này đồng nghĩa, có thể cùng là lao động tự do, nhưng người lao động ở địa bàn này sẽ nhận được mức hỗ trợ cao hơn địa bàn khác; địa phương này có nhiều lao động được hỗ trợ hơn các địa phương khác. Tiêu chí, điều kiện xác định đối tượng thụ hưởng ở các địa phương có thể cũng khác nhau.

Minh Anh

Top