Khắc phục tồn tại, hạn chế trong phát triển nhà ở tại Thủ đô Hà Nội
(Chinhphu.vn) - Việc đẩy mạnh phát triển nhà ở để giải quyết nhu cầu, chăm lo vấn đề nhà ở cho người dân luôn được thành phố Hà Nội quan tâm, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.
Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng tiến độ xây dựng
Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu diện tích nhà ở bình quân đạt 29,5m2 sàn/người, trong đó năm 2021 là 27,6m2 sàn/người. Tuy nhiên, kết thúc năm 2021, một số dự án đầu tư xây dựng nhà ở chưa hoàn thành theo tiến độ, dẫn đến không đạt chỉ tiêu đề ra trong năm.
Để bảo đảm kế hoạch phát triển nhà ở, đáp ứng nhu cầu nhà ở cơ bản của người dân, thành phố Hà Nội đã xây dựng giải pháp khắc phục, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phát triển khoảng 44 triệu m2 sàn nhà ở. Trong đó, năm 2021, phát triển 88.000m2 sàn nhà ở xã hội, 106.000m2 sàn nhà ở tái định cư, 573.000m2 sàn nhà ở thương mại. Nhưng việc triển khai các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị trên thực tế đã gặp khó khăn, dẫn đến một số dự án không hoàn thành theo tiến độ.
Cụ thể, trong năm 2021, có 12 dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoàn thành, gồm 2 dự án nhà ở xã hội (88.221m2 sàn), 4 dự án nhà ở tái định cư (105.760m2 sàn), 6 dự án nhà ở thương mại (351.924m2 sàn).
So sánh với kế hoạch, có thể thấy diện tích phát triển mới nhà ở thương mại không đạt chỉ tiêu đề ra, kéo theo diện tích bình quân mới đạt 27,3m2 sàn/người (kế hoạch là 27,6m2 sàn/người).
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nguyên nhân chính là do dịch COVID-19 trong 2 năm 2020 và 2021 đã làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiến độ xây dựng, vì trong gian đoạn này có thời gian bị giãn cách xã hội, dẫn đến tình trạng nhiều dự án phải tạm dừng thi công.
Bên cạnh đó, các đề xuất nhu cầu phát triển nhà ở của thành phố chưa sát thực tế, chưa lường hết được các thách thức phát sinh trong quá trình triển khai. Các sở, ngành, quận, huyện chưa thực hiện tốt việc giám sát đầu tư các dự án nên chưa kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án...
Trong khi đó, chủ đầu tư các dự án cũng thiếu chủ động tập trung nguồn lực triển khai dự án đúng tiến độ, cộng thêm khó khăn về tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng khiến các chủ đầu tư làm cầm chừng.
Nâng cao chất lượng quản lý và tăng cường kiểm soát xây dựng
Khắc phục các tồn tại, hạn chế trong phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân chưa đạt, nhiều dự án phát triển nhà ở, khu đô thị chậm tiến độ, ngày 19-12-2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển nhà ở theo Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030 (được UBND thành phố ban hành tại Quyết định số 3627/QĐ-UBND ngày 3-10-2022).
Theo đó, việc phát triển nhà ở của thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2021-2030 gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ, quản lý theo quy hoạch, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch; quản lý chặt chẽ phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm; phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững.
Hà Nội tập trung phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển thành quận; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên sông Hồng và sông Đuống...
Bên cạnh phát triển nhà ở bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả, Hà Nội cũng chú trọng phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư, đặc biệt là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở...
Chia sẻ giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong phát triển nhà ở tại Thủ đô Hà Nội, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để bảo đảm việc dự báo sát thực tế và tập trung thực hiện tốt các giải pháp, Hà Nội xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm để đẩy nhanh tiến độ và đồng bộ các hoạt động và giải pháp từ tuyến trung ương tới cơ sở.
Thành phố Hà Nội cũng xác định rõ tiến độ, kế hoạch thực hiện, hoàn thành gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể theo phương thức "5 rõ": Rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm đối với từng nhiệm vụ cụ thể.
Đồng thời, các sở, ngành phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện; kịp thời chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, thành phố đã cân đối bố trí đủ vốn để triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư; triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung, nhà ở cho thuê phục vụ công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra các dự án, tập trung vào các dự án chậm triển khai năm 2021, 2022, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện dự án,...
Đối với các dự án chậm triển khai, năng lực kém, cố tình chây ỳ sẽ bị thu hồi để thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư khác. Sau đó sẽ công khai thông tin vi phạm, đưa vào tiêu chí đánh giá và không cho tham gia thực hiện các dự án tương tự trên địa bàn thành phố.
Đối với nhu cầu nhà ở, cần cân đối nhu cầu, cơ cấu các loại hình nhà ở để phân bổ phù hợp từng khu vực dân cư, tránh tình trạng tập trung quá cao một loại hình nhà ở trên một khu vực.
Thùy Chi