Khai mạc Hội chợ hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô năm 2020
(Chinhphu.vn) - Sáng 12/11, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô 2020 với quy mô 200 gian hàng của trên 100 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn TP. Hà Nội.
Các đại biểu thăm quan gian hàng tại Hội chợ. Ảnh: Thùy Linh |
Hội chợ do Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tổ chức thực hiện. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã đến tham dự và cắt băng khai mạc.
Các sản phẩm được trưng bày tại Hội chợ là những mặt hàng quà tặng thủ công mỹ nghệ (gốm sứ, sơn mài, khảm trai, lụa, thêu ren, mây tre đan, xương sừng mỹ nghệ...) của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn Thành phố và phải đáp ứng các tiêu chí: bảo đảm chất lượng, đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, thu hút, tạo ấn tượng với khách thăm quan, giao dịch. Thông qua Hội chợ, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có điều kiện thuận lợi để tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, thiết lập quan hệ. Người tiêu dùng cũng có thêm kênh mua sắm, lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đây là một trong những nỗ lực của Thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ kép: Hỗ trợ các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trưng bày giới thiệu và quảng bá sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng thủ công mỹ nghệ, đẩy mạnh bán hàng, giao thương, kết nối tìm kiếm thị trường đặc biệt là thị trường nội địa.
Đồng thời, tập trung mọi nguồn lực thực hiện quyết liệt các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm ngành công thương hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu vào, kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất, thương mại, tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội.
“Với sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia Hội chợ và sự hỗ trợ hiệu quả, tạo điều kiện tối đa từ Ban Tổ chức, Hội chợ Hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô 2020 sẽ là “đòn bẩy” hữu hiệu hỗ trợ ngành Thủ công mỹ nghệ của Thủ đô vượt qua mọi thách thức, khó khăn đưa sản phẩm hàng hóa chất lượng cao ra thị trường nội địa”, ông Nguyễn Thanh Hải khẳng định.
Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, đại dịch COVID-19 đã làm suy giảm tiêu dùng của người dân và xã hội, ảnh hưởng nhiều nhất đến nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ. TP. Hà Nội với thế mạnh là nơi tập trung hơn 1.350 làng nghề với khoảng 176.000 hộ làm nghề, chiếm 45% tổng số làng nghề trong cả nước. Trong đó, số lượng, cơ cấu nhóm ngành nghề gồm 4 nhóm: Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 56 làng nghề; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ có 822 làng nghề; chế biến, bảo quản nông sản có 329 làng nghề; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 143 làng nghề. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Ngành thủ công mỹ nghệ đang đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu và phát triển kinh tế của Thủ đô.
Tuy nhiên, tác động tiêu cực và kéo dài của đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh ngành hàng thủ công mỹ nghệ bị gián đoạn. Với sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Thành phố, tính hết tháng 10/2020, tình hình xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đã có tín hiệu chuyển biến tích cực, các cơ sở công nghiệp nông thôn của Hà Nội đã có các đơn đặt hàng xuất khẩu. Trong 5 nhóm mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng dương của Hà Nội, có 3 nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm 2019, gồm có: Hàng gốm sứ: đạt 170 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,3%, tăng 6,9%; thủy tinh và các mặt hàng từ thủy tinh: đạt 294 triệu USD, chiếm tỷ trọng 2,2%, tăng 1,9%; gỗ và sản phẩm gỗ: đạt 426 triệu USD, chiếm tỷ trọng 3,2%, tăng 5,8%.
Hội chợ sẽ diễn ra đến hết ngày 15/11/2020.
Thùy Linh