Khai mạc phiên chất vấn việc thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp
(Chinhphu.vn) - Sáng 12/5, phiên chất vấn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội của Thường trực HĐND TP. Hà Nội đã chính thức khai mạc.
Dự phiên chất vấn có các đồng chí: Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, đây là phiên chất vấn đầu tiên của Thường trực HĐND Thành phố khoá XVI thực hiện theo Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đề án số 15 của Ban Thường vụ Thành uỷ về "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn".
Theo Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và phát triển Thủ đô; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững... Đây cũng là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng và rất thiết thực.
Xác định ý nghĩa đó, trong những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND, các cấp, các ngành của Thành phố đã luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Thành uỷ các khoá XV, khoá XVI ban hành Chương trình số 02 về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân". Thành ủy khoá XVII ban hành Chương trình số 04 về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".
Trên cơ sở đó, HĐND Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, cân đối, bố trí nguồn lực để thực hiện. UBND Thành phố đã xây dựng kế hoạch với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai.
Đến nay, Thành phố đã có 15/18 huyện, thị xã và 382/382 xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao năng suất, giá trị, hiệu quả. Hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực nông thôn đã được Thành phố quan tâm, tập trung đầu tư. Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân ngày càng được cải thiện, nâng lên.
Tuy nhiên, qua giám sát của HĐND Thành phố và các ý kiến, kiến nghị của cử tri, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số hạn chế, khó khăn, bất cập, đặc biệt là trong việc triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Đây là những vấn đề quan trọng, cấp thiết, liên quan đến phương thức triển khai kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển lĩnh vực nông nghiệp và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của một bộ phận lớn người nông dân của Thủ đô.
Xuất phát từ yêu cầu đó, trên cơ sở Chương trình giám sát năm 2023 của HĐND Thành phố và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; trong khuôn khổ thời gian của phiên chất vấn, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội thống nhất lựa chọn nhóm vấn đề "việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn Thành phố" là nội dung chất vấn tại phiên họp tháng 5/2023 để đánh giá đúng tình hình, kết quả thực hiện; xác định rõ các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của các cấp, các ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan, từ đó đề ra lộ trình, giải pháp hiệu quả, khả thi trong thời gian tới.
Để phiên chất vấn hiệu quả, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn lưu ý các vị đại biểu đặt câu hỏi cần ngắn gọn, cụ thể, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, đúng nội dung nhóm vấn đề. Các đại biểu được quyền tái chất vấn, tranh luận với người trả lời chất vấn để làm rõ thêm các nội dung vấn đề cần quan tâm.
"Người trả lời chất vấn phải trả lời ngắn gọn, đúng nội dung, đúng trọng tâm, đi thẳng vào những nội dung được hỏi. Báo cáo làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, thời gian, lộ trình cụ thể và các giải pháp thực hiện để cử tri và đại biểu HĐND Thành phố theo dõi, giám sát. Sau khi kết thúc phiên họp, Thường trực HĐND Thành phố sẽ ban hành Kết luận phiên chất vấn để làm căn cứ tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện", Chủ tịch HĐND Thành phố nêu rõ.
Thùy Linh