Khai thác tối đa lợi thế, giá trị quỹ đất phụ cận đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô

03/04/2025 5:40 PM

(Chinhphu.vn) - Đề án Khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là hết sức cần thiết, góp phần tạo điều kiện thuận lợi khai thác tối đa lợi thế, giá trị quỹ đất phụ cận.

Khai thác tối đa lợi thế, giá trị quỹ đất phụ cận đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô- Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Chiều 3/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Báo cáo tóm tắt Tờ trình và dự thảo Đề án cho thấy, Dự án xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô là một trong những dự án trọng điểm Quốc gia được triển khai trên địa bàn TP. Hà Nội và một số địa phương lân cận. Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, gồm 58,2 km qua địa phận Hà Nội, còn lại là 9,7 km tuyến nối với cao tốc Hà Nội-Hạ Long và phần đi qua các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Cùng với việc khẩn trương tập trung đầu tư, thi công xây dựng tuyến đường, việc định hướng phát triển đô thị hai bên trục Vành đai 4-Vùng Thủ đô cũng là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra nhằm khai thác không gian, đất đai, tăng hiệu quả đầu tư, tạo nguồn lực phát triển cho các địa phương.

Do đó, việc triển khai thực hiện Đề án Khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là hết sức cần thiết, tạo nguồn vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của TP. Hà Nội.

Đồng thời, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để khai thác tối đa lợi thế, giá trị quỹ đất phụ cận tuyến đường, là cơ sở để lập dự án thu hút đầu tư, góp phần khai thác hiệu quả quỹ đất, đồng thời ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả tại các địa phương…

Dự thảo Nghị quyết của Đề án cũng nêu rõ: Quỹ đất phụ cận tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô trên địa bàn 8 quận, huyện có diện tích khoảng 18.450 ha. Trong đó, huyện Sóc Sơn là 724 ha; Mê Linh là 2.441ha; Đan Phượng là 2.094ha; Hoài Đức là 3.345ha; Hà Đông là 775ha; Thanh Oai là 2.562ha; Thanh Trì là 533ha; Thường Tín là 5.976ha với 40 khu đất; trong đó diện tích có thể khai thác là khoảng 8.725,5ha.

Cần xác định rõ vị trí vùng phụ cận của tuyến Vành đai 4

Khai thác tối đa lợi thế, giá trị quỹ đất phụ cận đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô- Ảnh 2.

Đại biểu góp ý tại hội thảo. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Thảo luận tại Hội nghị, đa số đại biểu cho rằng, việc triển khai thực hiện Đề án Khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu, khai thác quỹ đất nhằm mang lại lợi ích kinh tế cao nhất, có cơ sở pháp lý và không ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của người dân; việc quản lý và sử dụng nguồn thu cũng cần hiệu quả, đúng mục đích, tăng cường giám sát để bảo đảm sự công khai, minh bạch, tránh thất thoát,…

Góp ý về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải công cộng TP. Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, đây là một Đề án có tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch đô thị, an sinh của người dân nên cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, toàn diện và khoa học.

Việc thực hiện Đề án là một giải pháp giúp TP. Hà Nội bảo đảm được nguồn vốn để phát triển hạ tầng giao thông. Việc khai thác quỹ đất vùng phụ cận Vành đai 4 sẽ giúp tạo nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, thu hút đầu tư; đồng thời tối ưu nhất giá trị quỹ đất và phát triển kinh tế, thúc đẩy phát triển đô thị và công nghiệp…

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, cần xác định rõ quỹ đất này theo vùng như nào và việc thực hiện quỹ đất phải dựa trên các quy định của Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Bên cạnh đó, quá trình thu hồi, sử dụng đất cần phải công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp; bảo đảm việc khai thác quỹ đất phải mang lại lợi ích kinh tế cao nhất, đặc biệt không ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân…

"Đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 có tiềm năng tạo nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông nhưng cần thực hiện công khai, minh bạch và có sự giám sát chặt chẽ", ông Hải kiến nghị.

Cùng quan điểm, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Đề án cần xác định rõ vị trí vùng phụ cận của tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, từ đó định rõ được quỹ đất phụ cận của tuyến đường.

"Đồng thời, Đề án cần làm rõ đặc điểm của tuyến Vành đại 4, khẳng định được vùng này có tính đặc thù là ranh giới giữa đô thị trung tâm và khu vực nông nghiệp. Đây cũng là bộ mặt tương lai của Thủ đô", TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh và cho rằng, Đề án cũng cần bổ sung thêm nội dung đổi mới phương pháp đấu giá đất và đẩy mạnh vai trò của kinh tế tư nhân;

Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ người dân như cơ chế đền bù, tái định cư hợp lý, bảo đảm đời sống người dân; quy hoạch thêm không gian công cộng, xây dựng các tuyến giao thông kết nối, tránh tạo áp lực lên hạ tầng hiện có…

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn của các chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời, đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tiếp thu và hoàn thiện Đề án.

Trên cơ sở ý kiến các đại biểu, MTTQ Thành phố thống nhất đề nghị xác định rõ tên Đề án. Bên cạnh đó, chúng ta cần ban hành ngay để khai thác, sử dụng, quản lý chống lãng phí, thất thoát, "theo lộ trình, TP. Hà Nội quyết tâm bảo đảm tiến độ của dự án Vành đai 4 nên việc thông qua đề án lúc này là rất cần thiết", Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh.

Đồng thời, đề nghị cập nhật tất cả các cơ sở pháp lý, những nội dung mới, làm rõ khái niệm vùng phụ cần, khảo sát phân rõ vùng phụ cận, nội dung kết nối trong phạm vi Thủ đô và Vùng Thủ đô; hình thức khai thác, sử dụng quỹ đất trong vùng phụ cận…

Từ đánh giá tác động của Đề án, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương cũng cho rằng, cần đặc biệt quan tâm vấn đề an sinh xã hội; thực hiện tốt công tác thông tin truyền thông; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm công khai, minh bạch trong xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai;…

Thùy Linh

Top