Khoa học công nghệ đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội
(Chinhphu.vn) - Giai đoạn 2016-2021, Hà Nội đã và đang ưu tiên phát triển và chuyển giao khoa học và công nghệ, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất, quản lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt thăm Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Hoàng Giang |
Kết quả đề tài, dự án đem lại hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh
Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.
Công tác xây dựng và triển khai kế hoạch hàng năm được đổi mới, cải tiến quy trình, hồ sơ quản lý đề tài, dự án, đảm bảo chất lượng, rút ngắn thời gian, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, không gây phiền hà, sách nhiễu. Phương thức triển khai được đổi mới theo hướng khuyến khích các cơ quan, đơn vị đặt hàng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào giải quyết các vấn đề thực tiễn thuộc ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý. Qua đó, các kết quả sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ KH&CN có tính ứng dụng cao.
Trong giai đoạn 2016-2021, Thành phố đã phê duyệt và triển khai 346 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Thành phố (294 đề tài, 4 đề án khoa học, 48 dự án sản xuất thử nghiệm). Các nhiệm vụ nghiên cứu đã thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học có uy tín và sự phối hợp của các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học công nghệ.
Từ tháng 11/2016 đến hết quý II/2021, đã có 197 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia chủ trì thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố, trong đó, 28,9% là các viện nghiên cứu, 28,32% là các trường đại học, cao đẳng, 10,69% là các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng KH&CN, 7,23% là các doanh nghiệp trên địa bàn, còn lại là các cơ quan, tổ chức khác như sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp của Trung ương và Thành phố.
Kết quả của các đề tài, dự án đã được áp dụng với các mức độ và quy mô khác nhau, đem lại hiệu quả tốt trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm của các công trình nghiên cứu khoa học góp phần thúc đẩy đối mới, nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.
Kết quả của các nhiệm vụ KH&CN đã được áp dụng với các mức độ và quy mô khác nhau, đem lại hiệu quả tốt trên các lĩnh vực:Công nghiệp, Tự động hoá - Điện - Điện tử viễn thông; Công nghệ vật liệu; Quy hoạch - Xây dựng - Giao thông vận tải và Quản lý cơ sở hạ tầng;Phát triển nông nghiệp;Công nghệ sinh học;Công nghệ thông tin; Y tế - Bảo hộ lao động - Vệ sinh an toàn thực phẩm; Quản lý môi trường; Quản lý kinh tế - xã hội...
Hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TW, Hà Nội đã tăng cường tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất, quản lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thành phố hiện có khoảng 100 doanh nghiệp KH&CN đã được chứng nhận, đứng thứ hai cả nước/tổng số 550 doanh nghiệp KH&CN của cả nước. Lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp KH&CN khá đa dạng và là các lĩnh vực quan trọng, chủ lực, trọng điểm có tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực khác. Một số doanh nghiệp KH&CN đã đạt Giải thưởng chất lượng quốc gia, có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực và đạt được các giải thưởng có uy tín (Giải thưởng Môi trường Việt Nam, Giải VIFOTEC, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt...).
Một số doanh nghiệp đã tự đầu tư kinh phí cho nghiên cứu và đạt được kết quả nhất định. Có trên 90% doanh nghiệp KH&CN được chứng nhận có sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN do doanh nghiệp tự đầu tư kinh phí. Một số doanh nghiệp KH&CN đã chủ động liên kết với các viện nghiên cứu của Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố nhanh chóng hoàn thiện kết quả nghiên cứu, thử nghiệm và đưa ra thị trường những sản phẩm công nghệ mới.
Triển khai thực hiện các quy định của Luật Chuyển giao công nghệ 2017, công tác thẩm định công nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được triển khai đồng bộ, toàn diện đối với các dự án đầu tư, qua đó đã góp phần ngăn ngừa các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Trong cả giai đoạn, đã tổ chức thẩm định công nghệ cho 77 dự án đầu tư (tiêu biểu như Dự án điện rác Sóc Sơn tại Nam Sơn công suất 4.000 tấn/ngày, Nhà máy nước mặt Sông Đuống công suất 300.000 m3/ngày đêm…) và cho ý kiến về công nghệ đối với hàng trăm dự án đầu tư trong nhiều lĩnh vực.
Thành phố cũng đã đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, tiếp nhận tin cảnh báo về hàng rào kỹ thuật trong thương mại qua đó giúp các doanh nghiệp giảm thiểu tác động gây tổn hại tới môi trường, sử dụng tiết kiệm và quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên, hạn chế rủi ro, tiết kiệm chi phí, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng cơ hội xuất khẩu, thâm nhập thị trường thế giới.
Chú trọng lĩnh vực sở hữu trí tuệ
Đến nay, các hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ có nhiều chuyển biến tích cực, được xác định là hoạt động ưu tiên và then chốt đối với quá trình quản lý, phát triển và bảo tồn các sản phẩm làng nghề, nông nghiệp của Hà Nội.
Hà Nội hiện cũng đang dẫn đầu cả nước về số bằng sáng chế và giải pháp hữu ích với hơn 1.400 đơn đăng ký sáng chế và trên 300 bằng sáng chế; trên 600 đơn đăng ký giải pháp hữu ích và trên 400 bằng giải pháp hữu ích., và đứng thứ hai về số bằng kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa.
UBND Thành phố đã phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức thành công sự kiện Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 hàng năm. Mỗi năm, sự kiện đã thu hút hơn 1000 người tham gia với chuỗi các hoạt động nhằm mục đích tôn vinh những người hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, tuyên truyền và quảng bá vai trò của quyền sở hữu trí tuệ đến với công chúng Thủ đô.
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, ngày 27/12/2018, UBND TP. Hà Nội ban hành kế hoạch 242/KH-UBND thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2020. Từ nay đến hết năm 2021, Hà Nội dự kiến tiến hành hỗ trợ cho 31 dự án bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm mang địa danh và 4 dự án đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể tiến hành quản lý và phát triển.
Hòa An