Khơi thông nguồn vốn giúp doanh nghiệp phát triển
(Chinhphu.vn) - Vốn luôn là khó khăn lớn mà các doanh nghiệp thường gặp phải, nhất là khi bắt đầu khởi nghiệp hoặc muốn mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh. Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý, qua đó giúp khơi thông nguồn vốn, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.
Doanh nghiệp tìm hiểu các gói vay ưu đãi của ngân hàng. Ảnh minh họa |
Nhiều ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp
Thời gian gần đây, TP. Hà Nội tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có giải pháp về tiếp cận vốn thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hà Nội cho biết, trong năm 2015 và 8 tháng đầu năm 2016, các tổ chức tín dụng đã liên tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình, chú trọng dành nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, hỗ trợ các doanh nghiệp.
Cụ thể, lãi suất cho vay của chương trình luôn thấp hơn mặt bằng lãi suất chung từ 1,5% đến 2%/năm. Đặc biệt, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên và có xếp hạng tín dụng tốt còn được hưởng lãi suất ưu đãi từ 4% đến 4,5%/năm. Dư nợ cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đến nay đạt 170.068 tỷ đồng, tăng 3,1 lần so với cuối năm 2015. Hầu hết các tổ chức tín dụng đều có các gói sản phẩm, chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp. Qua đó đã kịp thời bổ sung nguồn vốn cho doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực tài chính và cải thiện sức cạnh tranh của doanh nghiệp Thủ đô.
Riêng với chương trình Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của Thành phố, năm 2015, các tổ chức tín dụng đã đăng ký tổng lượng vốn cho chương trình là 12.252 tỷ đồng, gấp năm lần so với kế hoạch đề ra. Chương trình Bình ổn giá năm nay không dùng đến nguồn quỹ của Thành phố, mà các tổ chức tín dụng đã cam kết cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá vay 14.428 tỷ đồng, dư nợ 1.495 tỷ đồng.
Đánh giá cao hiệu quả của chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng Ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, chương trình đã mở ra cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng lãi suất thấp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô và đảm bảo an sinh xã hội.
Tiếp tục khơi thông nguồn vốn
Mặc dù ngành ngân hàng đã đẩy mạnh việc kết nối với doanh nghiệp, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp phản ánh, theo quy định, doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn hay trung và dài hạn thì ngân hàng sẽ áp mức lãi suất thích hợp. Quy định là vậy nhưng các chi nhánh tổ chức tín dụng lại không được tự quyết định lãi suất cho vay mà phải báo cáo hội sở, điều này khiến thời gian giải quyết thủ tục cho vay kéo dài.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp mặc dù có phương án sản xuất kinh doanh tốt nhưng không đáp ứng điều kiện vay (tài sản thế chấp) nên khó tiếp cận nguồn vốn vay nhất là vay tín chấp. Ông Nguyễn Văn Đồng, Chủ tịch Hội dệt may Hà Nội cho biết, ngành dệt may phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực tài chính có hạn, trước áp lực ngày càng cạnh tranh gay gắt khi Việt Nam hội nhập quốc tế, doanh nghiệp phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới phương thức kinh doanh nên rất cần vốn vay từ ngân hàng. Do đó, các ngân hàng không nên quá e dè trong việc áp dụng phương thức vay tín chấp, thế chấp bằng dòng tiền, từ nguồn thu của chính doanh nghiệp.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn vẫn đang gặp vướng mắc trong việc tiếp cận các thông tin liên quan đến tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp như thông tin về báo cáo tài chính, báo cáo thuế, các giao dịch hải quan... chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ, thông tin để tham chiếu, khó thẩm định hồ sơ để cấp tín dụng.
Bà Phạm Thị Thuận, Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức cho biết, doanh nghiệp đã hoạt động 30 năm nay, nhưng vẫn rất khó tiếp cận các gói cho vay của ngân hàng vì thủ tục quá phức tạp, đòi hỏi quá nhiều giấy tờ liên quan tài sản thế chấp như đất đai, nhà xưởng...
Giám đốc Công ty May mặc Mỹ Hạnh Tạ Thị Bích Lộc nhận định, nhiều ngân hàng cho vay theo hình thức tín chấp, nhưng không hiệu quả bởi lãi suất vẫn quá cao. Doanh nghiệp dù đã làm hàng xuất khẩu có uy tín mấy chục năm, nhưng cái “uy tín” đó vẫn không đủ để được vay vốn ưu đãi, phải vay ngoài với lãi suất cao. Nhiều nhân viên ngân hàng chưa đủ năng lực, kinh nghiệm để đánh giá năng lực của doanh nghiệp một cách chính xác. Các doanh nghiệp đều kiến nghị Nhà nước, ngân hàng có cơ chế “thông thoáng” hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn hiệu quả.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) Nguyễn Đình Vinh giải thích, hiện nay các ngân hàng đều cần doanh nghiệp và chủ động tìm khách hàng chứ không phải “ngồi đợi” như trước đây. Nhưng ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng cần lợi nhuận và có những yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ theo đúng quy định của Nhà nước để hạn chế tối đa tình trạng nợ xấu.
Ông Quách Hùng Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đề xuất, Hà Nội nên xác định các lĩnh vực, ngành nghề tập trung phát triển để các ngân hàng tập trung hỗ trợ, ưu tiên cho các lĩnh vực đó, tránh sự dàn trải, thiếu hiệu quả. Thị trường thường xuyên có những biến động, cho nên cần có đầu mối để các ngân hàng, doanh nghiệp phản ánh kịp thời những bất cập trong việc kết nối.
Đồng thời, nên định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng tổ chức gặp gỡ, trao đổi để đưa ra các hỗ trợ, chính sách phù hợp với thực tế hơn, xử lý kịp thời các nút thắt mà cả phía ngân hàng và doanh nghiệp đang gặp phải. Ông Quách Hùng Hiệp nhấn mạnh: “Các ngân hàng hiện nay đều có quan hệ với các ngân hàng trên toàn thế giới, với các khách hàng lớn có nhiều kinh nghiệm, sẵn sàng trở thành kênh tư vấn, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong phương án đầu tư, ứng dụng công nghệ, tìm kiếm các đối tác phù hợp”.
Trong thời gian tới, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung giải ngân số vốn đã cam kết cho vay, đồng thời đăng ký dành nguồn vốn tín dụng 150 nghìn tỷ đồng cho năm 2017, bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Bên cạnh việc tập trung cho các lĩnh vực trọng tâm, mũi nhọn của thành phố, chương trình cũng sẽ mở rộng nhiều đối tượng là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, các tiểu thương, các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo..., góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô.
Thùy Linh