Không chủ quan lơ là, tập trung quyết liệt phòng chống sốt xuất huyết mùa cao điểm

16/07/2025 1:50 PM

(Chinhphu.vn) - Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng, mới đây Bộ Y tế đã kiểm tra thực tế và có buổi làm việc với thành phố Hà Nội để quyết liệt, tập trung và tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Không chủ quan lơ là, tập trung quyết liệt phòng chống sốt xuất huyết mùa cao điểm- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao sự chủ động của thành phố trong phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Cụ thể, ngày 15/7, đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết một số điểm trên địa bàn phường Cửa Nam gồm ngõ 23 Phan Chu Trinh và Phòng khám Tai Mũi Họng số 21 Phan Chu Trinh. Qua kiểm tra thực tế, đoàn ghi nhận, đánh giá cao cách làm hiệu quả về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam Trịnh Ngọc Trâm, sau sắp xếp, phường Cửa Nam có diện tích 1,68 km2 với quy mô dân số khoảng 52.000 người. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn phường Cửa Nam chưa ghi nhận ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện phường có 114 đội xung kích với 342 thành viên; 30 tổ giám sát phòng chống dịch sốt xuất huyết với 84 thành viên. 

Tính đến ngày 14/7, phường đã tổ chức 5 đợt chiến dịch vệ sinh môi truờng, kết hợp phun hóa chất diện rộng 100% tại các điểm nguy cơ cao đóng trên địa bàn phường. Công tác tuyên truyền được phường triển khai với nhiều hình thức với mục đích cung cấp thông tin sâu rộng để nhân dân phối hợp thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, từ đầu năm 2025 đến ngày 15/7, toàn Thành phố ghi nhận 365 ca mắc sốt xuất huyết, 0 tử vong, giảm 69% so với cùng kỳ năm 2024 (1.166 mắc, 0 tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 90/126 phường, xã.

Để phòng chống dịch bệnh, ngành Y tế đã tham mưu cho UBND Thành phố chỉ đạo các địa phương xây dựng Đề án về chủ động phòng, chống sốt xuất huyết giai đoạn nhiều năm, với mục đích sẵn sàng về nhân lực, vật tư, hóa chất cho công tác phòng dịch, bảo đảm đáp ứng khi có dịch bệnh lan rộng. Trong những năm qua, 100% các quận, huyện, thị xã trước đây đều có Đề án về phòng chống sốt xuất huyết giai đoạn 2 - 5 năm.

Vào tháng 6/2025, ngành Y tế đã tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo các đơn vị vận hành hệ thống giả định phòng chống bệnh dịch theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp để đảm bảo hoạt động phòng chống dịch luôn chủ động, kịp thời và không bị gián đoạn. Thực hiện sắp xếp chính quyền địa phương 02 cấp, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 186/KH-UBND ngày 14/7/2025 của UBND Thành phố về phòng, chống dịch bệnh đợt cao điểm phục vụ các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025), Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2025) và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội để 126 phường, xã sau sắp xếp có căn cứ triển khai công tác phòng chống dịch một cách phù hợp.

Bên cạnh đó, Thành phố đã tổ chức giám sát, chủ động phát hiện bệnh nhân sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác tại bệnh viện, cơ sở y tế đóng trên địa bàn. Dựa trên tình hình dịch bệnh và các chỉ số côn trùng, thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch. Thực hiện kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại các trường học, giám sát 100% ổ dịch cũ năm 2024, các khu vực nguy cơ, các ổ dịch mới phát sinh.

Không chủ quan lơ là, tập trung quyết liệt phòng chống sốt xuất huyết mùa cao điểm- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương kiểm tra thực tế phòng chống sốt xuất huyết tại số 23 Phan Chu Trinh, phường Cửa Nam. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Ngành Y tế nhận định, bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội năm 2025 có thể tăng cao trong các tháng tiếp theo bởi nhiều yếu tố. Theo chu kỳ dịch hằng năm, sốt xuất huyết tại Hà Nội thường gia tăng từ tháng 7, tăng nhanh trong tháng 8, 9 và đỉnh dịch thường vào tháng 10. Ngoài ra, do ảnh hưởng của biến đối khí hậu, thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh sinh sôi, phát triển, qua giám sát chỉ số véc tơ hàng tuần tại một số nơi còn vượt ngưỡng nguy cơ. Đáng chú ý, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang có xu hướng lan rộng ra khu vực ngoại thành trong vài năm gần đây, hiện tại đã ghi nhận ổ dịch từ 5 -7 bệnh nhân. Một số nơi chưa kiện toàn được ngay lực lượng cộng tác viên, đội xung kích hỗ trợ trong hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, khó khăn trong công tác phòng chống và xử lý ổ dịch.

Đánh giá cao hiệu quả công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu Hà Nội cần tiếp tục chủ động ứng phó, phòng chống sốt xuất huyết giai đoạn cao điểm thời gian tới.

Hà Nội cần chú trọng hướng dẫn các đơn vị xây dựng và triển khai kế hoạch về phòng chống dịch sốt xuất huyết các tháng cuối năm, triển khai Đề án về chủ động phòng chống sốt xuất huyết. Thành phố cần chỉ đạo các phường, xã kiện toàn sớm Ban Chỉ đạo, đội xung kích diệt bọ gậy, tổ chức các hoạt động giám sát chặt chẽ, thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, thường xuyên lồng ghép các hoạt động vệ sinh xanh - sạch - đẹp, hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn, đặc biệt là dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh (2/9).

Bên cạnh đó, Hà Nội cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và sự tham gia của người dân trong công tác phòng, chống dịch; phân loại và quản lý tốt bệnh nhân sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế; đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ điều trị.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người thành phố Hà Nội, phát huy những thành quả đã đạt được trong việc giảm sâu số ca mắc sốt xuất huyết so với cùng kỳ năm 2024, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động chủ động phòng bệnh trong thời gian tới, tổ chức chiến dịch truyền thông đợt cao điểm phòng chống sốt xuất huyết trong tháng 7 theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch; xác định các khu vực có nguy cơ cao từ đó tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý dịch; tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phòng, chống dịch ở cơ sở. Cùng với đó là các giải pháp được các chuyên gia đề xuất tại buổi làm việc như lập bản đồ các khu vực nguy cơ cao, tăng cường tập huấn cho cán bộ cơ sở, bổ sung kinh phí, trang thiết bị...

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các địa phương về phòng chống dịch, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

Thiện Tâm

Top