Không để người dân thiếu thịt lợn dịp Tết

11/01/2021 12:25 PM

(Chinhphu.vn) – Thông tin từ các hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội cho thấy, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các siêu thị bên cạnh việc khai thác nguồn cung thịt lợn từ trong nước cũng đã lên kế hoạch nhập khẩu phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Các siêu thị đã lên kế hoạch bảo đảm đủ nguồn cung thịt lợn dịp Tết. Ảnh: Thùy Linh

Sau một thời gian hạ nhiệt, khoảng 2 tuần trở lại đây, giá thịt lợn bắt đầu có xu hướng tăng gần 10.000 đồng/kg so với đầu tháng 12/2020. Dự báo trong những ngày cận Tết, khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, thì giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng. Vì vậy việc dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu đang là vấn đề cần thiết.

Thông tin từ hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội cho thấy, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, các siêu thị bên cạnh việc khai thác nguồn cung thịt lợn từ trong nước cũng đã lên kế hoạch nhập khẩu phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Đại diện Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam khu vực miền Bắc cho biết, năm 2020, lượng thịt lợn đáp ứng yêu cầu của các siêu thị trong dịp Tết Nguyên đán là 550 tấn và thịt gà là 800 tấn, các thực phẩm chế biến... trị giá khoảng 300 tỷ đồng. Dự kiến năm 2021, Công ty CP tăng khoảng 30% (khoảng 420 tỷ đồng) so với năm 2020.

Bên cạnh việc cung ứng cho hệ thống bán lẻ, Công ty CP đang triển khai chuỗi thực phẩm 3F feed-farm-food (thức ăn chăn nuôi - trang trại - thực phẩm giàu protein động vật), do đó lượng thực phẩm từ farm cung ứng cho thị trường cũng rất lớn. “Nếu có những yêu cầu thêm từ các hệ thống siêu thị đối với hàng tươi sống thì Công ty C.P hoàn toàn đáp ứng”, đại diện Công ty CP khẳng định.

Liên quan đến mặt hàng thịt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG Nguyễn Thùy Dương cho hay, để bảo đảm cân bằng nguồn cung mặt hàng thịt, bên cạnh việc khai thác tại thị trường trong nước, doanh nghiệp đã chủ động nhập khẩu từ Mỹ một lượng khá lớn các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, thịt gà. Riêng tháng 12/2020, doanh nghiệp đã nhập khẩu 3 container thịt lợn.

Còn theo đại diện Công ty TNHH Vincommerce, công ty đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng từ tháng 9/2020 và đến nay hầu hết hàng hóa đã về dự trữ tại các kho hàng của doanh nghiệp. Riêng đối với mặt hàng thịt, doanh nghiệp đã nhập khẩu 40 tấn thịt lợn và 15 tấn thịt gà.

Giám đốc Vùng Hà Nội Tập đoàn Central Group Lê Mạnh Phong cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, giá thịt lợn luôn đứng ở mức cao gây ra ảnh hưởng không nhỏ cho khách hàng, đặc biệt là trong dịp Tết này, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Nhu cầu về thịt lợn trong dịp Tết năm nay tăng nhanh khiến giá cả mặt hàng này càng trở nên khó kiểm soát. Từ thực tế đó, hệ thống siêu thị Big C cam kết bán thịt lợn phi lợi nhuận trong thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán phục vụ khách hàng.

Tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT về dự trữ hàng phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Trần Quốc Toản thông tin, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Trong đó, mặt hàng thịt lợn tiếp tục đà hồi phục, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tổng số đàn lợn tháng 11 tăng 12% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt lợn hơi cả năm dự kiến đạt gần 3,46 triệu tấn, tăng 3,9% so năm 2019... Với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, tình hình tái đàn lợn đạt kết quả tốt, cơ bản thị trường sẽ ổn định, cân đối cung - cầu không bị thiếu hụt thực phẩm.

Ở khâu phân phối, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông, cho biết, mặc dù nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tăng cao, nhưng hiện nguồn hàng đã được các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch cùng với các chương trình chuẩn bị Tết khá chu đáo nên sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là mặt hàng thịt lợn.

Cùng với đó, Bộ đã chỉ đạo các địa phương chủ động theo dõi, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép thịt lợn và sản phẩm thịt lợn trong nước và qua biên giới. Kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông, để không xảy ra tình trạng tăng giá, sốt giá. Các nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà sản xuất điều tiết lượng cung cũng như kế hoạch bán hàng, chung tay cùng cơ quan quản lý nhà nước, chia sẻ lợi nhuận của mình, có trách nhiệm với người tiêu dùng, không để giá lợn tăng nóng, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát kinh tế vĩ mô của Nhà nước.

Thùy Linh

Top