Không để xảy ra lộn xộn tại lễ hội đền Sóc
(Chinhphu.vn) - Vào ngày 2/2 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch), lễ hội đền Sóc - một trong những lễ hội có ý nghĩa lớn nhất trong đời sống tâm linh của người dân huyện Sóc Sơn, và là nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của Hà Nội sẽ khai mạc.
Ông Nguyễn Nam Nho, Trưởng ban Quản lý di tích lịch sử đền Sóc (huyện Sóc Sơn) cho biết, vẫn như mọi năm, mùa lễ hội năm nay, công tác bảo đảm an ninh trật tự được ban tổ chức hết sức chú trọng. Đặt biệt, đối với lễ hội đền Sóc 2017, việc giữ ổn định trật tự trong quá trình cướp giò hoa tre được ban tổ chức quán triệt, tổ chức với nhiều phương án nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hoạt động này. Theo ông Nho, cướp giò hoa tre là nét văn hóa truyền thống trong lễ hội đền Sóc nên không thể bỏ. Tuy nhiên năm nay, đội bảo vệ giò hoa tre thay vì sử dụng gậy gộc, sẽ được trang bị “bác bửu” để bảo vệ đoàn rước.
Năm nay, công tác giữ gìn an ninh trật tự, ngăn chặn, xử lý các trường hợp gây rối trật tự, trộn cắp, móc túi… sẽ được hạn chế tối đa. Ông Nho thông tin: Ban tổ chức đã lắp đặt camera tại những khu vực chính trong khuôn viên đền và huy động lực lượng trên 430 người (bao gồm công an, dân phòng, thanh niên tình nguyện…) ứng trực thường xuyên, xử lý kịp thời sự cố trong thời gian diễn ra lễ hội.
Lễ hội đền Sóc sẽ vẫn giữ nguyên 8 lễ vật cung tiến như mọi năm gồm: Nữ tướng trẻ, Cầu húc, Giò hoa tre, Voi chiến, Ngựa sắt, Trầu cau, Ngà voi và Cỏ voi. Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 2 - 4/2/2017 (tức từ mùng 6 - 8 tháng Giêng âm lịch).
Khu di tích lịch sử đền Sóc đã được xây dựng hơn 1.000 năm, trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được kiến trúc nghệ thuật độc đáo, cùng nhiều cổ vật có giá trị. Năm 1962, Quần thể di tích đền Sóc được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia. Đến ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận Quần thể di tích đền Sóc là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Theo Kinhtedothi