Khuyến khích đầu tư các thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng

17/01/2018 6:21 PM

(Chinhphu.vn)-Qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo các thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng từ năm 2013 – 2017 tại Hà Nội cho thấy, các thiết chế văn hóa từ Thành phố đến cấp quận, huyện, phường, xã cơ bản phát huy hiệu quả tích cực, là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, qua đó gắn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân…

Ảnh minh họa

Tính đến ngày 30/7/2017, toàn thành phố có 23 thiết chế văn hóa, trong đó, có 14 thiết chế văn hóa trực thuộc quản lý của Sở Văn hóa và Thể thao; 3 thiết chế trực thuộc Thành đoàn Hà Nội; 2 thiết chế thuộc Liên đoàn Lao động Thành phố; 4 rạp chiếu phim thuộc Công ty TNHH MTV điện ảnh Hà Nội.

Tất cả 30 quận, huyện, thị xã đều đã thành lập Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao; cấp xã, phường, thị trấn có 112/584 xã có Trung tâm Văn hóa Thể thao, dự kiến đến năm 2020 đạt 181/584 Trung tâm văn hóa cấp xã; có 2.152/2.528 thôn, làng có nhà văn hóa. Các thiết chế văn hóa, thể thao cấp thành phố và quận, huyện cơ bản đáp ứng được các tiêu chí theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nhìn chung, Thành phố đã tập trung nguồn lực xây dựng các thiết chế văn hóa theo hướng đồng bộ, chất lượng ngày càng được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; hội họp được tổ chức tại các nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng ngày càng phổ biến, được triển khai bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo được sự đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân.

Đặc biệt đã huy động được sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân trong việc đầu tư cơ sở vật chất, tham gia các hoạt động của tổ dân phố và chính quyền địa phương. Việc vận hành khai thác các nhà văn hóa được thực hiện thường xuyên, liên tục có sự phân công trách nhiệm của quận, huyện theo dõi, hướng dẫn cơ sở trong việc quản lý và tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, các hoạt động vui chơi, giải trí tại cộng đồng. Thành phố cũng đã bố trí cán bộ công chức cấp xã, phường, thị trấn kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo dõi công tác văn hóa-xã hội.

Tuy nhiên, còn một số xã, phường, thôn, tổ dân phố chưa có nhà văn hóa. Nhiều nhà văn hoá có diện tích khuôn viên nhỏ, không đủ điều kiện tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao lớn tại cơ sở (chủ yếu ở các quận nội đô). Trang thiết bị, điều kiện cơ sở vật chất của nhiều nhà văn hoá còn thiếu, chưa đồng bộ. Hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố chưa đồng đều. Cán bộ làm công tác quản lý, tổ chức hoạt động nhà văn hoá cấp xã, khu sinh hoạt cộng đồng đều kiêm nhiệm hầu hết chưa được đào tạo, bồi dưỡng về tổ chức hoạt động văn hoá, văn nghệ hoặc quản lý văn hoá, vì vậy, tổ chức hoạt động nhà văn hoá chủ yếu dựa trên kinh nghiệm…

Để nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng, Chính phủ cần ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí xây dựng nhà văn hóa tổ dân phố, Trung tâm văn hóa - thể thao phường. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xem xét ban hành các văn bản hướng dẫn cho việc tổ chức quản lý, khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao để tạo thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện ở địa phương. Ban hành văn bản hướng dẫn quy chế mẫu về tổ chức, hoạt động đối với Trung tâm Văn hóa Thể thao phường, nhà Văn hóa tổ dân phố.

Cùng với đó, UBND Thành phố cần sớm ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phương án khai thác xã hội hóa cơ sở vật chất của Trung tâm Văn hóa Thể thao phường; xem xét ban hành Quy chế quản lý, tổ chức hoạt động Nhà văn hóa thôn, tổ trên địa bàn thành phố Hà Nội; có chính sách tạo nguồn kinh phí đa dạng, khuyến khích các tổ chức quốc tế, các quỹ hoạt động văn hóa của các tổ chức quốc tế, các tình nguyện viên quốc tế tham gia vào việc hỗ trợ phát triển hoạt động ở các Trung tâm văn hóa, thể thao ở cơ sở; chú trọng việc xây dựng Quỹ phát triển văn hóa của thành phố và cấp huyện để hỗ trợ cho hoạt động của các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa cơ sở.

Song song với các biện pháp trên, Thành phố cũng cần tiếp tục có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển. Nghiên cứu tiếp tục thực hiện phân cấp cho chính quyền cấp huyện quản lý, thực hiện kêu gọi xã hội hóa để đầu tư các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các thiết chế văn hoá, thể thao, đặc biệt là các thiết chế văn hoá cơ sở; khuyến khích và hỗ trợ việc thiết kế, xây dựng nội dung hoạt động cho các thiết chế văn hoá, đặc biệt là các nhà văn hóa cơ sở…

Bảo Khánh

Top