Khuyến khích đầu tư phát triển chợ theo hướng xã hội hoá
(Chinhphu.vn) - Trong những năm qua, Hà Nội đã tích cực chuyển đổi mô hình chợ, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng, quản lý kinh doanh chợ bằng nguồn vốn xã hội hoá, giảm ngân sách hàng năm để xây dựng, cải tạo chợ, tạo ra cơ sở vật chất khang trang, đáp ứng về văn minh thương mại, đảm bảo công tác PCCC, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Theo báo cáo của Sở Công T hương Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 455 chợ, có 15 chợ hạng 1 (chiếm 3,3%), 57 chợ hạng 2 (chiếm 12,53%), 352 chợ hạng 3 (chiếm 77,36%), 6 chợ đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng (chiếm 1,32%), 25 chợ đề nghị không phân hạng (chiếm 5,49%) do thuộc diện di dời, giải tỏa để thực hiện các dự án khác, một số nằm trên đất ngoài đê, đất cây xanh...
Trong tổng số 455 chợ có khoảng 92 chợ kiên cố (chiếm 20,22%); 247 chợ bán kiên cố (chiếm 54,29%); 116 chợ lán tạm (chiếm 25,49%).
Để thực hiện mô hình chuyển đổi mô hình quản lý từ nhà nước sang tư nhân, trong giai đoạn 2017-2020, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan xem xét, trình UBND Thành phố phê duyệt kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn các quận, huyện, thị xã làm căn cứ tổ chức kêu gọi xã hội hóa, chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ giai đoạn 2017-2020.
Đã có 3 đơn vị đã hoàn thành công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ (quận Hoàn Kiếm, quận Long Biên và huyện Thanh Trì) với 55 chợ. 2 quận (Hai Bà Trưng, Cầu Giấy) xin chưa thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ với lý do kiện toàn sát nhập các Ban quản lý chợ thành Ban quản lý chợ.
Bên cạnh đó, có 25 quận, huyện, thị xã đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ với tồng số 202 chợ (24 quận, huyện được phê duyệt năm 2017 và 01 huyện Đông Anh đã được UBND Thành phố phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ năm 2015, hiện đang tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2017-2020)
Hiện nay 25 quận, huyện, thị xã đã được phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ, các đơn vị đang triển khai thực hiện theo Kế hoạch đã được Thành phố phê duyệt từ năm 2011 -2019.
Theo đánh giá của Sở Công thương Hà Nội, việc chuyên đổi mô hinh chợ với mong muốn kêu gọi các Doanh nghiệp, Họp tác xã đầu tư xây dựng, quản lý kinh doanh chợ bằng nguồn vốn xã hội hoá, giảm ngân sách hàng năm để xây dựng, cải tạo chợ, nâng cao năng lực quản lý kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn Thành phố, các chợ được chuyển đổi gắn với đầu tư xây dựng có cơ sở vật chất khang trang, đáp ứng về văn minh thương mại, đảm bảo công tác PCCC, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...
Cùng với kết quả đã đạt được, Sở Công Thương cho rằng, công tác chuyến đổi mô hình quản lý chợ đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập. Các dự án sau chuyển đổi đã hoàn thành đưa vào hoạt động nhưng một số dự án hiệu quả chưa cao (đặc biệt là các dự án đầu tư theo mô hình chợ kết hợp TTTM chưa đạt hiệu quả mong muốn về hiệu quả kinh tế, đầu tư, hiệu quả sử dụng đất, yếu tố xã hội mà dự án mang lại).
Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các quận, huyện, thị xã thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn: Xây dựng phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ; phân hạng chợ; phương án giá sử dụng diện tích bán hàng tại chợ; phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng tại chợ.
Tăng cường công tác kiểm tra liên ngành và xử lý nghiêm theo thẩm quyền, đặc biệt trên các mặt: PCCC, ATTP, nội quy, bố trí ngành hàng, vệ sinh môi trường...Phối họp với các thành viên Ban chỉ đạo 197 Thành phố, các địa phương triển khai quyết liệt công tác giải tỏa, chống lấn chiếm các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn. Phối hợp với Thanh tra Thành phố, các địa phương giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc về khiếu nại, tố cáo liên quan đến các chợ trên địa bàn.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ chỉ đạo các đơn vị tập trung rà soát kỹ từng vụ việc, làm rõ nguyên nhân, xử lý dứt điểm các vụ việc còn tồn tại theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài chính, an ninh trật tự... đối với các chợ trên địa bàn; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho công dân, làm tốt công tác công khai các thông tin cho nhân dân hiểu, đồng thuận ngay trước, trong và sau khi triển khai các chủ trương, chính sách đối với các chợ trên địa bàn;
Sở Công Thương sẽ tham mưu cho thành phố có chính sách khuyến khích huy động mọi nguồn vốn đầu tư phát triển chợ theo hướng xã hội hoá, đồng thời phải tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với chợ. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các hộ kinh doanh lớn sẽ tích cực tham gia đầu tư vào các chợ đầu mối, các chợ dân sinh quy mô lớn tại các khu vực đô thị trung tâm và vệ tinh, các thị trấn.
Đối với chợ nông thôn, quy mô nhỏ không có điều kiện thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý. Có cơ chế về sử dụng ngân sách trong việc cải tạo, nâng cấp tối thiểu các chợ đã xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn các huyện không có điều kiện để chuyển đối mô hình quản lý để đáp ứng các tiêu chí về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Minh Anh