Khuyến khích đầu tư xây dựng các dự án bãi đỗ xe

10/04/2019 6:55 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội hiện có khoảng 6,5 triệu phương tiện các loại, chưa kể các loại xe chuyên dùng và lượng xe ở ngoại tỉnh đổ về Hà Nội. Tốc độ tăng trưởng các loại phương tiện, giao thông đường bộ tăng rất nhanh, trong khi đó diện tích đất dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng của thành phố mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. 90% phương tiện đang đỗ tự phát tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, lòng đường, sân trường học, bệnh viện...

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, trong khi lượng phương tiện gia tăng chóng mặt nhưng diện tích đất dành cho các dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm - nổi, bãi đỗ xe thông minh, cũng như tiến độ đầu tư cho các dư án này đến nay còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý, cũng như nhu cầu của người dân. Như vậy, thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn trong lĩnh vực giao thông nói chung, giao thông tĩnh nói riêng.

Trước thực trạng đó, mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Tây Hồ đã đề xuất UBND TP. Hà Nội nghiên cứu xây dựng bãi đỗ xe ngầm (đáp ứng chỗ đỗ cho gần 900 xe) tại Công viên Cầu Giấy, với tổng mức đầu tư khoảng 565 tỷ đồng. Tổng diện tích đất đề xuất nghiên cứu xây dựng bãi xe ngầm khoảng 14.500m2. Bãi đỗ xe có quy mô 3 tầng hầm, trong đó tầng 2-3 làm bãi đỗ xe. Tầng hầm 1 được bố trí làm chức năng thương mại, dịch vụ. Nhà đầu tư cam kết quá trình thi công dự án sẽ ảnh hưởng thấp nhất tới công viên và không gian sinh hoạt của người dân. Việc hoạt động của bãi đỗ xe ngầm sau này được vận hành theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến; bảo đảm các yếu tố an ninh, môi trường, trật tự đô thị…

Theo đánh giá của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, việc nghiên cứu xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại vị trí nêu trên phù hợp với quy hoạch, thực trạng không gian và định hướng phát triển giao thông tĩnh của thành phố. Thành phố cũng đã yêu cầu lối lên - xuống tầng hầm không được đấu nối trực tiếp vào các tuyến đường giao thông xung quanh công viên; phần mặt trên của tầng hầm phải bảo đảm lớp đất hữu cơ đủ dày để cây xanh phát triển bền vững; ít ảnh hưởng tới hoạt động của công viên và người dân xung quanh...

Tuy nhiên, ngay khi thông tin được công bố, dự án đã vấp phải sự không đồng thuận của người dân do lo ngại phá vỡ quy hoạch của công viên, đồng thời xuất hiện nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông...

Trước dự án này, thành phố cũng đã có chủ trương đầu tư một số bãi đỗ xe ngầm, song đến nay đều chưa thể triển khai và mới chỉ dừng ở bước tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết, xây dựng cơ chế quản lý... Đó là các dự án bãi đỗ xe ngầm ở Sân vận động Quần Ngựa, Công viên Thống Nhất, Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, trước cửa Nhà hát Lớn, Công viên Thủ Lệ... Có nhiều lý do khiến nhà đầu tư chưa mặn mà tham gia các dự án bãi đỗ xe: Nhiều vị trí chưa phù hợp để nghiên cứu lập dự án; hoặc có vị trí, khi nhà đầu tư vào lập dự án lại vướng các quy hoạch khác, thiếu đồng bộ với hạ tầng giao thông.

Việc đầu tư dự án cần nguồn vốn lớn, song quá trình thu lại nhỏ giọt, lâu hoàn vốn. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng đang là thách thức đối với các nhà đầu tư, khiến nhiều dự án “giẫm chân tại chỗ”.

Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc xây dựng bãi đỗ xe ngầm dưới quảng trường hay công viên là cần thiết, phù hợp với xu hướng đô thị trên thế giới. Tuy nhiên, mấu chốt là bãi đỗ xe đó được đặt tại vị trí nào để phù hợp với quy hoạch, không gây ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, cảnh quan môi trường, an sinh xã hội... Chủ trương xã hội hóa, gọi đầu tư với các dự án hạ tầng đô thị của thành phố cũng là phù hợp, song phải công khai đấu thầu để tìm chủ đầu tư, nhà thầu có năng lực, tốc độ thi công nhanh. Quá trình thi công cần tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng.

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, nhằm giải “bài toán” giao thông tĩnh, thành phố đang nghiên cứu, ban hành một số cơ chế đặc thù nhằm thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án xây dựng bãi đỗ xe thông minh, đỗ xe ngầm. Cụ thể, xem xét cho phép các nhà đầu tư bãi đỗ xe ngầm được lồng ghép một số chức năng dịch vụ tiện ích khi đầu tư xây dựng, nhưng bảo đảm không thay đổi chức năng, cũng như công suất đỗ xe.

Đặc biệt, sẽ xem xét cho phép nhà đầu tư được bán một số chỗ đỗ xe ngầm sau khi đầu tư xong. Xung quanh các khu vực đã được đầu tư bãi đỗ xe theo quy hoạch, trong phạm vi bán kính khoảng 500 m, không cho phép khai thác sử dụng các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe tạm thời ở lòng đường, vỉa hè...; xây dựng cơ chế riêng về giá trông giữ xe tại các bãi đỗ được xã hội hóa, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn vốn.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội đang muốn tận dụng không gian ngầm để phát triển, đặc biệt là xây dựng bãi đỗ xe. Từ năm 2013, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua nghị quyết khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư vào các không gian ngầm, không chỉ có công viên, mà cả tại những vị trí ngã ba, ngã tư có diện tích đất rộng.

Từ 2016-2018, qua 3 hội nghị xúc tiến thương mại, UBND TP. Hà Nội đã thông qua danh mục gần 40 dự án bãi đỗ xe ngầm, nhưng đến nay mới có 5 nhà đầu tư đăng ký.

“Với chủ trương như vậy, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Tây Hồ xin đầu tư bãi đỗ xe ngầm tại công viên Cầu Giấy là phù hợp với chủ trương của Thành phố. Tuy nhiên, hiện nay công ty này mới đang thuê tư vấn để khảo sát, trên tinh thần xây dựng hệ thống 3 tầng hầm sau đó hoàn trả mặt đất, trồng công viên cây xanh bình thường để người dân vẫn còn diện tích vui chơi giải trí bên trên. Đây mới là chủ trương, TP. Hà Nội đang xem xét. Thành phố sẽ công bố công khai quy hoạch chi tiết của công trình này nếu được phê duyệt”, ông Chung cho hay.

Thùy Chi

Top