Khuyến nông Thủ đô với phát triển nông nghiệp đa giá trị

18/03/2025 5:35 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 18/3, Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị tổ chức Hội thảo khuyến nông đô thị chuyên đề: "Khuyến nông trong phát triển nông nghiệp đa giá trị".

Khuyến nông Thủ đô với phát triển nông nghiệp đa giá trị- Ảnh 1.

Các đại biểu thăm quan gian hàng trưng bày tại chương trình. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, tình hình phát triển sản xuất nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, phát triển làng nghề gắn với du lịch tại Hà Nội tính đến nay đã xây dựng được 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (262 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 119 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 25 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản); tập trung nhiều ở các huyện: Hoài Đức, Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng tính ưu việt của các công nghệ. 

Đối với công tác khuyến nông, hướng tới nâng cao chất lượng nông sản, thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, chuyển từ "tư duy sản xuất" sang "tư duy kinh tế", hướng tới những giá trị xanh, an toàn và bền vững. Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao. 

Ngoài hỗ trợ thực hiện mô hình trình diễn, Trung tâm còn đẩy mạnh hướng dẫn, tuyên truyền, khuyến cáo nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học, các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thảo mộc trong sản xuất nhằm quản lý tốt dịch bệnh, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc hóa học. Đồng thời, khuyến khích bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm chi phí vật tư đầu vào, chủ động tưới tiêu, nhiệt độ, ánh sáng… để cây trồng, vật nuôi có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt nhất, hướng tới nền nông nghiệp xanh, an toàn sức khỏe.

Khuyến nông Thủ đô với phát triển nông nghiệp đa giá trị- Ảnh 2.

Mô hình nông nghiệp sinh thái tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Với những kết quả đã đạt được, Thành phố đặt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng thương mại, dịch vụ; tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ vào kinh tế nông thôn; thúc đẩy liên kết, xây dựng, phát triển chuỗi giá trị du lịch, nông nghiệp, nông thôn hiệu quả. Đồng thời, phát triển và đa dạng hoá kinh tế nông thôn thông qua kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề gắn với nông - lâm - ngư nghiệp tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Theo ý kiến của các đại biểu tham dự hội nghị, việc phát triển nông nghiệp đa giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao, đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Mặc dù vậy, đội ngũ khuyến nông còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn sâu về nông nghiệp đa giá trị; bên cạnh đó sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, gây khó khăn cho việc áp dụng ứng dụng công nghệ cao.

Kết luận tại hội nghị, theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Hoàng Văn Hồng, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đa giá trị phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, các địa phương cần phát triển đội ngũ cán bộ khuyến nông chuyên sâu, kết hợp đào tạo gắn với thực tiễn sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong khuyến nông.

Đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích mô hình canh tác bền vững, kết hợp giá trị kinh tế với bảo vệ môi trườn. Bên cạnh đó, các địa phương thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông, ứng dụng giải pháp khoa học, công nghệ vào phục vụ phát triển nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Thiện Tâm

Top