Kiểm soát biến chứng đái tháo đường trong mùa dịch

03/11/2022 12:06 PM

(Chinhphu.vn) - Bệnh đái tháo đường là căn bệnh có diễn biến âm thầm nhưng nguy hiểm, không thể chữa khỏi, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang phức tạp, những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường cần phải quan tâm tới việc kiểm soát đường huyết để không bị nặng và ít biến chứng.

Kiểm soát biến chứng đái tháo đường trong mùa dịch - Ảnh 1.

Người bị mắc đái tháo đường cần kiểm tra đường huyết thường xuyên để kiểm soát bệnh cũng như các biến chứng có thể xảy ra. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo các chuyên gia y tế, bệnh tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong thứ 3, đứng sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Hiện nay còn có rất nhiều người mắc đái tháo đường mà không biết hoặc chưa được kiểm soát điều trị tốt.

Theo Ths. BS Nguyễn Thu Yên, chuyên khoa Nội tiết, BVĐK Đức Giang, để điều trị, nhiều người bệnh lo ngại dùng thuốc tân dược lâu ngày sẽ ảnh hưởng xấu tới gan, thận. Tuy nhiên, những thuốc điều trị đái tháo đường để có thể lưu hành trên thị trường đã trải qua nhiều nghiên cứu và phải chứng minh được lợi ích, đảm bảo tính an toàn cho người bệnh.

Bên cạnh đó, những thuốc điều trị đái tháo đường được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại nước ta đều là những thuốc được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA Hoa Kỳ cấp phép, sử dụng. Vì vậy, nếu tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ định thì người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm về tính an toàn của thuốc. Ngoài tác dụng làm hạ đường huyết, một số thuốc điều trị đái tháo đường còn có lợi ích bảo vệ thận, làm chậm tiến triển bệnh thận ở người đái tháo đường đã có biến chứng về thận, giảm biến cố tim mạch trên bệnh nhân suy tim phân suất tống máu giảm.

Người bị bệnh đái tháo đường cần phải kiểm soát tốt nếu không sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: Hôn mê do tăng đường huyết, suy thận mạn, cắt cụt chi, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não…

Bên cạnh đó, bệnh nhân cần thường xuyên tự theo dõi đường huyết tại nhà. Vì theo bác sĩ Yên, mẫu xét nghiệm sinh hóa hay đường máu mao mạch thông thường mà mỗi tháng bệnh nhân được bác sĩ chỉ định chỉ cho biết lượng đường máu tại một thời điểm, không phản ánh được đường huyết hàng ngày ở nhà trong suốt một tháng. Cùng với đó là còn nhiều yếu tố dẫn đến kết quả đường máu trong ngày đi khám bệnh của bệnh nhân bị sai lệch do nhịn đói quá lâu, dẫn đến đường máu có thể xuống thấp hoặc cũng có thể tăng lên do phản ứng của cơ thể. Hay do căng thẳng hoặc đêm hôm trước mất ngủ lượng đường có thể tăng cao. Chính vì vậy, việc thử đường huyết tại nhà sẽ cho biết chính xác đường huyết của mình ở nhiều thời điểm trong ngày, hoặc khi có các biểu hiện bất thường giúp xác định kịp thời các biến chứng tăng đường huyết, hạ đường huyết.

Qua đó người bệnh sẽ có chế độ điều chỉnh ăn uống, tập luyện, lối sống phù hợp với tình hình bệnh. Các thời điểm nên theo dõi đường huyết tại nhà là trước các bữa ăn, sau ăn các bữa 1-2h, trước ngủ tối và khi nghi ngờ có hạ đường huyết.

Đái tháo đường là một căn bệnh hầu như không có triệu chứng cơ năng trong giai đoạn đầu. Nhưng khi tình trạng lượng đường trong máu tiếp tục tăng cao sẽ xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo, điển hình như: Khát nước, uống nhiều nước; số lần đi tiểu tăng, lượng nước tiểu nhiều; cân nặng sụt giảm, dễ cảm thấy mệt mỏi. Ngoài ra, mắt sẽ bị mờ, tầm nhìn giảm, tê tay chân, chân đau khi đi bộ…

Khi có những dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, làm xét nghiệm chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời. Trong trường hợp không điều trị bệnh đái tháo đường hoặc không được điều trị thích hợp, các biến chứng nghiêm trọng có thể xuất hiện và làm chất lượng cuộc sống giảm.

Với những người bị đái tháo đường, nếu bị COVID-19 sẽ có nguy cơ biến chứng rất cao. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hằng, trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, để phòng tránh biến chứng tiểu đường trong mùa dịch, bệnh nhân cần có kế hoạch cải thiện, chăm sóc sức khỏe đúng cách. Theo đó, bệnh nhân phải luôn theo dõi bệnh hàng ngày; duy trì thói quen tập thể dục đều đặn, thường xuyên để tăng đề kháng, sức khỏe cho bản thân. Bên cạnh đó cần ngủ đủ giấc, tránh thức khuya. Tránh hoàn toàn các chất kích thích có hại cho sức khỏe như rượu, bia, thuốc lá, và phải uống thuốc đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài ra cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho bản thân. Chế độ ăn phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, hạn chế tối đa các loại thức ăn chứa nhiều đường và chất béo, tăng cường rau xanh và uống nhiều nước mỗi ngày. Đặc biệt cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng bệnh COVID-19; tránh tụ tập nơi đông người, thực hiện rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh cơ thể; khi ra ngoài cần phải đeo khẩu trang.

Đối với trường hợp tiền đái tháo đường, người bệnh cần điều trị kịp thời để ngăn chặn bước sang giai đoạn đái tháo đường. Bác sĩ Nguyễn Thu Yên cho biết, tiền đái tháo đường được hiểu là yếu tố nguy cơ chính trong việc phát triển bệnh đái tháo đường loại 2. Nhưng không giống như bệnh đái tháo đường loại 2 toàn phát, tiền đái tháo đường có thể được chữa khỏi. Tiền đái tháo đường liên quan với các yếu tố nguy cơ giống như bệnh đái tháo đường, là: Thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp…

Việc điều trị tiền đái tháo đường sẽ đưa glucose huyết trở về bình thường; ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến thành đái tháo đường; đồng thờingăn chặn và làm giảm các biến chứng do tăng glucose huyết.

Bên cạnh đó còn làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch, thông qua phát hiện và điều trị các yếu tố nguy cơ tim mạch đi kèm.

Để điều trị tiền đái tháo đường, người bệnh cần thay đổi lối sống để giảm cân và giữ cân nặng ở mức cho phép. Tuân theo kế hoạch ăn uống lành mạnh; tăng hoạt động thể lực và không hút thuốc lá. Ngoài ra cần điều trị bằng thuốc, phát hiện và kiểm soát yếu tố nguy cơ tim mạch: Tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.

Thiện Tâm

Top