Kiểm soát chặt hàng hóa dịp Tết Ất Tỵ 2025
(Chinhphu.vn) - Trước nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp cuối năm và Tết Ất Tỵ 2025, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng TP. Hà Nội đã và đang dồn toàn lực kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi
Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 (Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội) đã kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 5 ngõ 199 Đình Xuyên, xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác phát hiện gần 12.000 sản phẩm tất chân có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đã được bảo hộ, như Lacoste, Nike, Adidas… Hộ kinh doanh này vừa bán hàng trực tiếp tại cơ sở, vừa bán hàng trực tuyến qua tài khoản mạng xã hội Zalo.
Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng trên để tiếp tục xác minh, làm rõ. Trước đó, cuối tháng 10-2024, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) phối hợp với Công an huyện Hoài Đức cũng phát hiện 37.000 nhãn mác, 35.450 đôi tất chân giả mạo các nhãn hiệu đã được bảo hộ.
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường Hà Nội, ngày 19/12, Đội Quản lý thị trường số 24 phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma tuý (Công an huyện Hoài Đức) kiểm tra đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa là thực phẩm thuộc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Gia Ly Food (thôn Minh Khai, xã La Phù, huyện Hoài Đức).
Đoàn kiểm tra đã phát hiện 23.200 gói hàng hóa thành phẩm có nhãn "HỔ KA KA Đậu nành hương vị thiên nhiên"; 70 kg sản phẩm thực phẩm đậu nành chiên tương trong bao bì không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa thành phẩm và nguyên liệu dùng để sản xuất, bao bì, máy móc nêu ở trên để xác minh tình tiết vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật.
Dù liên tục phát hiện, kiểm tra, bắt giữ các vụ buôn lậu có số lượng hàng hóa lớn nhưng tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại thời điểm giáp Tết không có dấu hiệu hạ nhiệt, mà diễn biến phức tạp. Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên, bên cạnh thủ đoạn cũ như khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, xuất xứ, trị giá hàng hóa..., các đối tượng buôn lậu sử dụng phương thức, thủ đoạn mới, như không khai báo, khai không đúng với thực tế hàng hóa, che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng. Hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi, để lẫn trong hàng hóa hợp pháp, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu hàng hóa quá cảnh.
Các đối tượng cũng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh, bưu điện để mua bán, vận chuyển, trà trộn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng… Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là quần áo, giày dép, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phụ tùng ô tô...
Hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới, hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa.
Phối hợp kiểm tra, ngăn chặn hàng giả, kém chất lượng
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho hay, nhận thức được tầm quan trọng trong công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết, thành phố Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị đã tăng cường phối hợp, triển khai biện pháp đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, vi phạm an toàn thực phẩm.
Trong đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội chủ trì kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm…
Về phía ngành Công Thương Hà Nội, Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị nguồn hàng hóa bảo đảm chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ phục vụ nhân dân; tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định đối với các hoạt động khuyến mại, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2025.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên thông tin, dịp Tết Nguyên đán là cao điểm mua sắm, nhiều doanh nghiệp khuyến mại, vì vậy, lực lượng chức năng sẽ kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả do nước ngoài sản xuất nhưng gắn nhãn của doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã yêu cầu các lực lượng quyết liệt phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Các lực lượng chức năng phải nắm chắc diễn biến tình hình; nhận diện phương thức, thủ đoạn mới; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để tập trung lực lượng đấu tranh.
Lĩnh vực được tập trung kiểm tra, kiểm soát là các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Khu vực chợ đầu mối, trung tâm thương mại là một trong những điểm kiểm soát chặt chẽ, bên cạnh các đại lý, sàn thương mại điện tử (đặc biệt là sàn giao dịch giá rẻ xuyên biên giới), các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok...) mua, bán trực tuyến.
Lực lượng quản lý thị trường Thành phố đã triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ đối tượng kinh doanh, tập kết, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại có tổ chức. Việc đấu tranh tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu dự báo nhu cầu sử dụng tăng cao trong dịp lễ, Tết như thuốc lá, pháo nổ, thực phẩm, bánh, kẹo, rượu, bia, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... Địa bàn tập trung kiểm tra là các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các đầu mối giao thông, điểm tập kết hàng hóa, tuyến giao thông trọng điểm...
Bích Phương