Kiểm soát chặt ‘điểm đỏ’, tạo điều kiện cho người dân sản xuất, kinh doanh

21/09/2021 7:20 PM

(Chinhphu.vn) - Các quận, huyện, thị xã không được tăng thủ tục hành chính khi thực hiện hỗ trợ người dân; tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp đi lại, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh theo đúng tinh thần Chỉ thị 22/CT-UBND ban hành ngày 20/9; trường hợp địa bàn nào có ca mắc bệnh phải thực hiện nghiêm việc phong tỏa hẹp và quản lý chặt nhất…

Cuộc họp trực tuyến của Sở chỉ huy phòng, chống COVID-19 của TP. Hà Nội - Ảnh: Gia Huy

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải yêu cầu như trên khi chủ trì cuộc họp của Sở Chỉ huy công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 Hà Nội chiều 21/9.

Khẩn trương tiêm hơn 400.000 liều vaccine

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung, từ 18h ngày 20/9 đến 14h ngày 21/9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 11 trường hợp F0, trong đó có 9 trường hợp tại khu vực cách ly tập trung, 2 trường hợp tại khu vực phong tỏa. Hiện thành phố còn 2.611 trường hợp F1 cách ly tập trung và đang điều trị cho 916 bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở y tế trên địa bàn.

Về công tác xét nghiệm, từ 18h ngày 20/9 đến 14h ngày 21/9, toàn thành phố đã xét nghiệm được hơn 9.456 mẫu, trong đó có 11 mẫu dương tính, trong đó chủ yếu thực hiện lấy mẫu tại các khu vực phong tỏa, khu vực cách ly tập trung. Về công tác tiêm vaccine, thành phố đã nhận hơn 5,9 triệu liều và đã tiêm được hơn 5,5 triệu liều.

Đến nay, Hà Nội còn hơn 400.000 liều vaccine phòng COVID-19, vì thế Sở Y tế đề nghị các địa phương cần rà soát các đối tượng còn chưa tiêm mũi 1 thì tiến hành tiêm ngay và tiêm trả mũi 2 cho các trường hợp đã đến thời hạn.

Hiện toàn thành phố có 44 điểm còn phong tỏa, cách ly y tế, tập trung tại các quận/huyện gồm: Thanh Xuân, Thanh Trì, Đống Đa, Hoàng Mai, Long Biên, Chương Mỹ. Theo Chỉ thị số 22/CT-UBND ban hành tối ngày 20/9, các khu vực còn F0 này là các điểm nguy cơ cao, vì thế các địa phương cần thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch tại các điểm này và từng bước tiến tới xóa bỏ các "điểm đỏ"...

Theo ông Trần Văn Chung, ngày 21/9 là ngày đầu tiên cả thành phố thực hiện Chỉ thị số 22/CT-UBND, vì thế các địa phương cần tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở kinh doanh, các nhà máy sản xuất được phép hoạt động trở lại. Tiếp tục rà soát và tiến hành xét nghiệm cho các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở hoặc các trường hợp tại khu vực cách ly, phong tỏa có nguy cơ cao.

Phong tỏa hẹp và quản lý chặt các “điểm đỏ”

Là một trong những địa bàn còn ở nhóm nguy cơ cao, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung Lê Đức Thọ cho biết, trên địa bàn phường còn 4 điểm phong tỏa, trong đó điểm ngõ 328-330 Nguyễn Trãi phong tỏa toàn bộ hơn 600 hộ với gần 2.000 dân; điểm ngõ 332 đường Nguyễn Trãi quy mô hơn 30 hộ hơn 140 nhân khẩu (từ ngày 6/9 tới nay không phát sinh F0, đang đề xuất gỡ phong tỏa); điểm 69 Vũ Trọng Phụng (đã thu hẹp lại, chỉ phong tỏa 3 tầng toà nhà gồm cả tầng trên và tầng dưới)…

Lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân khẳng định, quận sẽ kiểm soát chặt chẽ các điểm phong tỏa và căn cứ vào đánh giá dịch tễ, quận sẽ thu hẹp dần các điểm phong tỏa. Với ổ dịch tại ngõ 328-330 Nguyễn Trãi, nhiều trường hợp F0 được chữa khỏi và trường hợp F1 chưa đưa về địa bàn nên quận đã thuê khách sạn cho lưu trú tạm. Ngoài ra, các trường hợp cách ly tại cơ sở của FPT đã đủ thời gian 21 ngày và nhiều người có nhu cầu được trở về, quận đang đề xuất 2 phương án là người nào có nhà ở khu khác thì có thể về và tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà; còn lại thì tiếp tục cách ly tại khu FPT tới ngày 28/9.

Ghi nhận những nỗ lực quận Thanh Xuân trong công tác kiểm soát ổ dịch lớn của thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải đề nghị quận Thanh Xuân cũng như các quận, huyện khác bám sát các nguyên tắc trong phòng chống dịch. Trong đó, đặc biệt lưu ý tiếp tục duy trì phong tỏa hẹp, quản lý chặt các "điểm đỏ" trên địa bàn.

Phó Chủ tịch cũng yêu cầu các quận huyện phải chú ý không được tăng thủ tục hành chính khi triển khai hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp đi lại sinh hoạt, sản xuất kinh doanh theo đúng tinh thần Chỉ thị 22/CT-UBND của Chủ tịch UBND Thành phố. Các quận, huyện phải quán triệt 8 nguyên tắc quan trọng trong Chỉ thị 22; thực hiện nghiêm việc phong tỏa hẹp nhất, quản lý chặt nhất. “Phải rất chú ý nội dung này nếu không sẽ không đạt được mục tiêu đề ra”, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Sở Y tế, Sở TT&TT làm đầu mối các đơn vị liên quan rà soát toàn bộ nhiệm vụ đã triển khai; bộ tiêu chí hướng dẫn phòng chống dịch, hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu chung phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội lưu ý, dù tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn hiện hữu, vì vậy, các đơn vị phải tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trụ cột: Kiểm soát chủ động dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe của người dân và bảo đảm sản xuất, kinh doanh an toàn.

"Mục tiêu cuối cùng, cao nhất, số một là bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người dân, sau đó mới phục hồi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh” Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải khẳng định và cho biết, Thành phố đang xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh và đang trong quá trình lấy ý kiến các sở, ngành…; vì vậy các đơn vị cần khẩn trương có ý kiến tham mưu để Thành phố xem xét nhanh chóng triển khai.

Gia Huy

Top