Kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học

04/05/2023 4:12 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 4/5, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của Thành phố đã kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại quận Nam Từ Liêm nhân dịp Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023.

Kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà kiểm tra bếp ăn tập thể trường Tiểu học Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Cụ thể, đoàn đã kiểm tra bếp ăn tập thể của trường Tiểu học Nguyễn Du (Khu đô thị Vinaconex 3 Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm). Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hậu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Du, toàn trường hiện có 1.500 học sinh, trong đó có 1.400 học sinh ăn bán trú. Trường đã ký hợp đồng cung cấp suất ăn với Công ty TNHH Hương Việt Sinh.

Ghi nhận thực tế, tại thời điểm kiểm tra, bếp ăn của nhà trường có 10 nhân viên tham gia chế biến thực phẩm. Qua kiểm tra, về phía nhà trường và đơn vị cung cấp suất ăn đã xuất trình được đầy đủ các hồ sơ pháp lý có liên quan. Bếp ăn tập thể sạch sẽ, đảm bảo quy trình một chiều.

Tuy nhiên, đoàn kiểm tra đề nghị nhà trường có kế hoạch kiểm tra đột xuất đơn vị cung cấp thực phẩm để tăng cường truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Đoàn đã lấy 5 mẫu bát, khay đựng thực ăn để xét nghiệm nhanh cho kết quả đạt theo yêu cầu.

Tại buổi làm việc, Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trên địa bàn quận hiện có 3.439 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, 4 trung tâm thương mại, 5 siêu thị, 9 chợ và một số chợ cóc. Từ đầu năm đến nay, toàn quận không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm lớn nào xảy ra trên địa bàn. Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, quận đã thành lập 12 đoàn liên ngành (2 đoàn tuyến quận, 10 đoàn liên ngành tuyến phường). Các đoàn đã kiểm tra 205 cơ sở, trong đó, xử phạt 1 cơ sở với số tiền hơn 2 triệu đồng, đang tiến hành xử lý 2 cơ sở với mức xử phạt hơn 20 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, hợp đồng mua bán thực phẩm không được lưu giữ đầy đủ. Sổ kiểm thực 3 bước chưa đúng quy định. Điều kiện vệ sinh cơ sở và vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc đã qua giết mổ không có kiểm soát thú y.

Theo Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn, qua công tác triển khai, quận cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử như việc xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm còn vướng mắc do công tác cán bộ tại quận chưa được kiện toàn kịp thời. Các phường xử lý vi phạm còn hạn chế, chưa quyết liệt trong xử phạt hành chính. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng kinh doanh thực phẩm tại các chợ cóc, chợ tạm, các điểm bán lẻ nằm sâu trong ngõ, ngách và loại hình bán hàng lưu động nên công tác quản lý, kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn.

Kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học - Ảnh 2.

Nhà trường cần chọn lọc các nhà cung cấp thực phẩm để sàng lọc, lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm chuyên nghiệp, an ninh, an toàn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, TP. Hà Nội luôn quan tâm đặc biệt đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Là cơ quan thường trực công tác an toàn thực phẩm của Thành phố, Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục có những tham mưu UBND Thành phố để ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn, tồn tại, đảm bảo tốt nhất vấn đề an ninh, an toàn thực phẩm. Qua buổi kiểm tra, Ban Giám hiệu nhà trường và nhà cung cấp Hương Việt Sinh cần chọn lọc các nhà cung cấp thực phẩm để sàng lọc, lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm chuyên nghiệp, an ninh, an toàn, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Đồng thời đề nghị quận thời gian tới cần tổ chức các hoạt động kiểm tra một cách chủ động, đột xuất để xem xét, nhìn nhận thực tế khách quan về tình hình an toàn thực phẩm tại trường học hiện nay. 

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cần tích cực phối hợp với nhà trường, các đơn vị cung cấp thực phẩm để hướng dẫn quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm về mặt chuyên môn, phân công nhiệm vụ cho các thành viên liên quan, có cách làm hiệu quả. Đặc biệt, hướng dẫn các đơn vị truy xuất nguồn gốc, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm. Bởi mục tiêu hướng tới của công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời điểm hiện nay là: Đặc biệt chú trọng đến truy xuất nguồn gốc, chất lượng nông sản thực phẩm.

Thiện Tâm

Top