Kiểm tra công vụ phải đúng pháp luật, khách quan và trung thực
(Chinhphu.vn) - Để tiếp tục nâng cao thêm một bước về trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng phục vụ nhân dân của các cơ quan, đơn vị nhà nước thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn thư; tạo bước chuyển mạnh mẽ trong lề lối, tác phong làm việc năm 2022, thành phố sẽ tập trung kiểm tra 5 nhóm nội dung về công vụ.
Cụ thể, kiểm tra việc thực hiện quy định về tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công đối với cá nhân, tổ chức, trong đó, tập trung kiểm tra việc giải quyết hồ sơ hành chính của cá nhân, tổ chức theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; việc thực hiện quy định liên quan đến công tác tiếp công dân, xử lý và giải quyết đơn thư của cơ quan, đơn vị.
Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; việc nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp”. Việc tuân thủ nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; việc thực hiện các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị khi được lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố giao. Sau khi kiểm tra, đoàn kiểm tra sẽ kiến nghị, đề nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời xem xét giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn.
Theo UBND thành phố Hà Nội, thông qua hoạt động kiểm tra, góp phần ngăn ngừa hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính; đồng thời đánh giá những ưu điểm, mặt tích cực; phát hiện những tồn tại, thiếu sót, khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công vụ; đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý.