Kiểm tra, thẩm định các cơ sở sản xuất OCOP tiềm năng 4 sao đợt 2
(Chinhphu.vn) - Trong 3 ngày từ 10 -12/12, Văn phòng Điều phối Chương trình Nông thôn mới thành phố Hà Nội đã triển khai thẩm định, kiểm tra thực tế các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP tiềm năng 4 sao đợt 2 năm 2024.
Thực hiện Kế hoạch số 322/KH-UBND ngày 28/12/2023 của UBND thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) thành phố Hà Nội năm 2024; Kế hoạch số 21/KH-HĐOCOP ngày 27/02/2024 của Hội đồng OCOP Thành phố về việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2024. Căn cứ văn bản đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024 của các quận, huyện, thị xã, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội (cơ quan Thường trực của Hội đồng OCOP Thành phố) mời các thành viên Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội đến năm 2025 tham gia thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế các cơ sở sản xuất sản phẩm tiềm năng 4 sao - đợt 2 năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong đợt này, đoàn thẩm định, kiểm tra 54 sản phẩm của 13 cơ sở đã được các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Phúc Thọ, Thanh Oai, Mỹ Đức đánh giá, phân hạng đạt tiềm năng OCOP 4 sao. Nội dung kiểm tra bao gồm: Hồ sơ minh chứng, cơ sở vật chất, lấy mẫu phân tích.
Theo ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Văn phòng Điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội cho biết, kế hoạch năm 2024, Thành phố đánh giá phân hạng 400 sản phẩm, đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 476 sản phẩm. Đợt 1, năm 2024, thành phố đã kiểm tra được 44 sản phẩm tiềm năng OCOP 4 sao. Qua kiểm tra đợt 1 và đợt 2 cho thấy các chủ thể đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng sản phẩm, cơ bản đạt các tiêu chí sản phẩm OCOP 4 sao.
Với những kết quả đã đạt được, để phát triển các sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao, Thành phố yêu cầu các cơ sở phải đầu tư cơ sở vật chất, trang bị máy móc, áp dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, cải tiến bao bì, nhãn mác, tăng cường quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm,.. nhằm mục tiêu khẳng định được giá trị chứng nhận sản phẩm OCOP.
Trong giai đoạn đầu, chương trình OCOP của Hà Nội đã tạo điều kiện cũng như hỗ trợ các chủ thể và người dân nâng cao nhận thức chất lượng của sản phẩm OCOP, theo đó có rất nhiều sản phẩm được đánh giá phận hạng OCOP. Nhưng đến nay, thực hiện các bộ tiêu chí mới theo Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ, Hà Nội đã kiểm tra, đánh giá, thẩm định chặt chẽ các tiêu chí sản phẩm OCOP để các chủ thể, các cơ sở sản xuất nhận thức được giá trị, đồng thời phát huy được chứng nhận OCOP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thiện Tâm