Kiên quyết khống chế, không để dịch sốt xuất huyết bùng phát

24/09/2022 7:57 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện dịch sốt xuất huyết đang vào đợt cao điểm, vì vậy, ngành Y tế Thủ đô cùng các địa phương tích cực kiểm tra, phát động các chiến dịch diệt muỗi, bọ gậy để tăng cường công tác phòng chống dịch và triển khai nhiều biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân.

Kiên quyết khống chế, không để dịch sốt xuất huyết bùng phát - Ảnh 1.

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Khổng Minh Tuấn cùng cán bộ huyện Thanh Trì tiến hành thả cá vào các dụng cụ chứa nước để diệt bọ gậy. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Để kêu gọi sự đồng lòng, vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng tham gia phòng chống sốt xuất huyết, ngày 24/9, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì đã tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Tính đến ngày 23/9, xã Thanh Liệt huyện Thanh Trì ghi nhận 94 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 20 lần so với cùng kỳ năm trước; với 4 ổ dịch (1 ổ dịch đã kết thúc hoạt động).

Theo Chủ tịch huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường, các phòng, ban, đơn vị thuộc huyện, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh xã Thanh Liệt cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, quán triệt tinh thần "Quyết liệt - Thực chất - Rốt ráo" trong công tác phòng chống dịch; thường xuyên theo dõi sát tình hình dịch bệnh để có phương án xử trí phù hợp, hiệu quả.

Trong đó, xã Thanh Liệt cần chỉ đạo sâu sát hơn công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết để giảm thiểu tối đa số ca mắc và tử vong trên địa bàn. Đồng thời đánh giá đúng, đầy đủ, toàn diện những yếu tố nguy cơ đặc thù trên địa bàn để có những giải pháp phù hợp; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết; phát động chiến dịch toàn dân diệt loăng quăng, diệt muỗi ngay chính nơi mình làm việc, sinh sống. 

Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, trường học thực hiện tổng vệ sinh môi trường, không để tồn tại vật chứa có nguy cơ đọng nước tại nơi làm việc; phân công tổ chức hoặc cá nhân chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra và xử lý dứt điểm ổ chứa bọ gậy...

Bên cạnh đó cần thành lập đoàn kiểm tra thường xuyên, xử lý nghiêm đối với các cá nhân, đơn vị, tổ chức, chủ các điểm nguy cơ cố tình không thực hiện các hướng dẫn phòng, chống sốt xuất huyết, tạo điều kiện để dịch bệnh lây lan tại địa phương theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Nhân dịp này, ông Nguyễn Tiến Cường đã kêu gọi sự đồng lòng, vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị và của các tầng lớp nhân dân cùng tham gia hành động ngay lúc này, không để dịch bệnh tiếp tục gây tổn hại về sức khỏe và đời sống của người dân. Bắt đầu từ những hành động đơn giản, dễ dàng thực hiện nhưng mang lại hiệu quả rất lớn như: Thường xuyên dọn dẹp vệ sinh nơi mình làm việc, sinh sống, không để vật chứa đọng nước phát sinh loăng quăng, từng bước kiểm soát và kết thúc các ổ dịch trong thời gian tới góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân trên địa bàn.

Kiên quyết khống chế, không để dịch sốt xuất huyết bùng phát - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương kiểm tra công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Tương tự, tại quận Long Biên, cũng trong ngày 24/9, trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Phó Chủ tịch quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương cùng đại diện lãnh đạo các phòng Y tế, Văn hóa thông tin và Trung tâm Y tế quận đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một số phường trên địa bàn.

Theo Trung tâm Y tế quận Long Biên, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn quận có 1.102 ca mắc, phân bố rải rác trên địa bàn 14 phường. Một số phường có nhiều ca mắc như: Sài Đồng, Phúc Đồng, Bồ Đề, Long Biên, Phúc Lợi, Đức Giang… Số ca mắc sốt xuất huyết hiện tại cao hơn số ca mắc trung bình 3 năm (2019 - 2021), 5 ổ dịch còn đang hoạt động. Tình hình dịch đang ở tình huống 2 "có dịch quy mô phường" (trừ Ngọc Thụy, Gia Thụy, Việt Hưng).

Ghi nhận tại phường Sài Đồng, ngay trong sáng ngày 24/9, lực lượng y tế đã tiến hành phun thuốc diệt muỗi đối với các khu vực có nguy cơ cao đồng thời yêu cầu người dân tổng vệ sinh nhà cửa, xóm ngõ. Người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh phải đến cơ sở y tế để khám, điều trị sớm không được chủ quan, tự điều trị tại nhà để giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và tử vong.

Theo Chủ tịch phường Sài Đồng Vũ Tiến Hưng, phường đã kích hoạt 70 tổ xung kích diệt bọ gậy, với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng dụng cụ chứa đựng nước"; yêu cầu lãnh đạo phường sát sao, kịp thời "bắt tay" cùng các cán bộ tổ dân phố thực hiện các biện pháp liên quan đến công tác phòng, chống dịch.

Tại phường Long Biên, từ 7h sáng, các tổ phòng dịch cộng đồng cũng đã đến từng nhà người dân tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch, tập trung vào dịch sốt xuất huyết để tránh nguy cơ dịch chồng dịch. Theo anh Nguyễn Quốc Lập, ở Tổ dân phố 14 cho biết: Chúng tôi thường xuyên được cán bộ tổ dân phố và các tình nguyện viên tuyên truyền, hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, cứ sáng thứ 7 hàng tuần, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi nên gia đình tiến hành tổng vệ sinh nhà cửa, ngõ xóm, lật úp các dụng cụ, đồ dùng có chứa nước… đảm bảo an toàn sức khỏe cho gia đình cũng như hàng xóm xung quanh.

Kiên quyết khống chế, không để dịch sốt xuất huyết bùng phát - Ảnh 3.

Lực lượng Y tế phun thuốc diệt muỗi tại quận Long Biên. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Qua kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương đặc biệt lưu ý, trong những ngày gần đây, tình hình dịch COVID-19 cũng như dịch sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp, nhất là dịch sốt xuất huyết có số ca mắc tăng. 

Vì vậy, các phường phải quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thành phố, của quận tại các văn bản và các cuộc họp, quyết tâm không để các loại dịch bệnh bùng phát trên địa bàn. Bên cạnh đó, các phường cần tập trung, tiếp tục nâng cao trách nhiệm, kỷ cương hành chính, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, đặc biệt là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Tăng cường công tác kiểm tra rà soát, phát hiện, vận động, yêu cầu từng người dân chủ động phối hợp với chính quyền, ngành y tế tích cực, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch.

Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về các biện pháp phòng, chống dịch, tập trung vào các nội dung: Tổ chức duy trì thường xuyên chiến dịch tổng vệ sinh, diệt bọ gậy hằng ngày, hằng tuần; triển khai phun hóa chất tại nơi có ổ dịch, có bệnh nhân SXH hoặc khu vực đến khi hết nguy cơ bùng phát dịch bệnh; xử lý ổ dịch kịp thời, hiệu quả, đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thiện Tâm

Top