Kinh tế nông nghiệp: Cần những mô hình điểm

26/02/2016 11:00 AM

(Chinhphu.vn) - Việc hỗ trợ nông dân làm kinh tế đã được triển khai từ nhiều năm nay trong tổ chức Hội Nông dân (HND) TP Hà Nội. Việc cho ra đời các mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp được HND lựa chọn là trọng tâm trong năm 2016.

Trồng rau an toàn tại Sóc Sơn. Ảnh: Đỗ Hương

Sự lan tỏa từ mô hình điểm

Sóc Sơn là huyện đầu tiên thí điểm chương trình trồng rau sạch và rau hữu cơ tại Hà Nội. Mô hình bắt đầu từ năm 2008, với sự phối hợp hỗ trợ của Hội Nông dân Việt Nam và tổ chức ADDA Đan Mạch tại Việt Nam. Hiện toàn huyện Sóc Sơn có 13 nhóm, 2 liên nhóm, 2 HTX sản xuất rau hữu cơ với diện tích hơn 20ha tại 3 xã Thanh Xuân, Đông Xuân và Xuân Giang. Sản phẩm rau hữu cơ đa dạng với hơn 40 loại rau củ, quả các loại như rau cải, rau lang, mùng tơi, bí xanh, bí đỏ, dưa leo… Trong suốt quá trình sinh trưởng, cây rau chỉ được bón duy nhất loại phân hữu cơ đã được ủ mục trong khoảng 2 tháng, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích. Nếu có sâu bệnh, người trồng rau chỉ dùng các loại thảo mộc như tỏi, gừng đem giã và trộn với rượu rồi phun cho cây.

Ông Nguyễn Lương Du, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết, hiện rau hữu cơ được đánh giá là sản phẩm sạch và an toàn tuyệt đối cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Dù luôn có giá cao hơn rau an toàn khoảng 10 - 20% nhưng sản phẩm rau hữu cơ Sóc Sơn luôn hết hàng; sản lượng rau mới chỉ đủ để cung cấp cho một số khách sạn, nhà hàng cao cấp, cơ quan đóng trên địa bàn Hà Nội và tại một số điểm chuyên bán rau hữu cơ chứ chưa đủ để bán rộng rãi…Các nhóm sản xuất ký kết hợp đồng cung ứng rau hàng ngày cho các công ty và nhóm khách hàng tiêu thụ tại Hà Nội mỗi tháng từ 75 - 80 tấn.

Từ hiệu quả nhìn thấy rõ rệt đó, tổng diện tích gieo trồng rau sạch trên địa bàn huyện đến nay đã lên tới là 1.425ha; mỗi năm sản xuất 3 vụ tại 26 xã, thị trấn; sản lượng 14.745 tấn. Rau an toàn được sản xuất trên diện tích hơn 400ha, được Chi cục BVTV cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn, đã và đang tổ chức mở rộng quy mô góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đem lại sản phẩm an toàn cho người sử dụng và hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

Tính riêng trong năm 2015, vùng rau sạch và rau hữu cơ của huyện Sóc Sơn đã trở thành nơi tham quan, học tập kinh nghiệm của trên 30 đoàn khách trong và ngoài nước.

Tương tự như mô hình vũng rau sạch của Sóc Sơn, thống kê của HND TP cho thấy, trong năm qua, các cấp hội trên địa bàn TP đã xây dựng được 138 mô hình kinh tế tập thể với 3.300 hội viên nông dân tham gia. Đáng ghi nhận là các địa phương đã phát triển 183 câu lạc bộ nông dân tham gia phát triển kinh tế và câu lạc bộ sản xuất kinh doanh giỏi với hơn 5.800 hội viên tham gia. Qua đó nông dân có điều kiện trao đổi kinh nghiệm và giúp nhau cùng làm giàu.

Đổi mới sản xuất

Năm 2016, HND TP lấy chủ đề là “Năm xây dựng các mô hình kinh tế tập thể”. Trong đó mục tiêu là tuyên truyền đến 100% hội viên nông dân tham gia phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, phấn đấu mỗi quận, huyện, thị hội có 20% cơ sở hội xây dựng  được mô hình kinh tế tập thể mới có hiệu quả và có ít nhất 1 mô hình kinh tế tập thể do HND đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của hội viên nông dân ở một số cơ sở hội còn chưa sát. Một số cán bộ HND chưa tích cực tham mưu với cấp ủy về cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Do đó, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp còn thấp.

Để khắc phục tình trạng số lượng hội viên đông nhưng chất lượng hội viên còn nhiều mặt hạn chế, có nhiều hội viên danh nghĩa, hoạt động Hội còn mang tính hình thức, kém hiệu quả, tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt thấp… Hội đã tiến hành điều tra khảo sát tình hình tổ chức cơ sở Hội, tập trung vào những cơ sở yếu kém, có tỷ lệ hội viên thấp hoặc có đông hội viên nhưng công tác quản lý hội viên lỏng lẻo, sinh hoạt không đều và hoạt động yếu.

Để xây dựng được các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, bà Dương Thị Hằng – Phó Chủ tịch Thường trực HND TP cho biết, Hội sẽ chỉ đạo tăng cường các hoạt động quản lý, sử dụng các nguồn vốn vay ngân hàng và Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp hội viên đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh đó, HND TP sẽ phối hợp với các ngành như Sở NN&PTNT, Sở KH&CN, Công Thương tổ chức đào tạo, tập huấn, trợ giúp nông dân nâng cao năng lực, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất. Nội sung sinh hoạt tới đây của HND TP sẽ tập trung chú trọng tới nội dung hướng dẫn nông dân liên kết hợp tác trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Việc đổi mới trong tổ chức và sinh hoạt của hội hiện được gắn liền với hiệu quả kinh tế của các mô hình kinh tế nông nghiệp chính là sát với đời sống của từng người nông dân. Hiệu quả của các mô hình cùng sự lan tỏa sẽ nâng mức sống của người nông dân thủ đô lên, điều đó chắc chắn sẽ tác động trở lại với sự gắn bó của từng thành viên với hội ngành nghề quan trọng này.

Đỗ Hương

Top