Kinh tế tập thể-Thích ứng an toàn, sản xuất hiệu quả

21/03/2022 2:06 PM

(Chinhphu.vn) - Năm 2021, mặc dù đại dịch COVID -19 đã tác động xấu đối với nền kinh tế nói chung do giãn cách xã hội, lưu thông, đi lại gặp nhiều khó khăn... Tuy nhiên khu vực kinh tế tập thể, Hợp tác xã vẫn phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh để duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Kinh tế tập thể- Thích ứng an toàn, sản xuất hiệu quả - Ảnh 1.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng các Hợp tác xã vẫn duy trì sản xuất, thích ứng linh hoạt an toàn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo ông Đỗ Huy Chiến, Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thời gian qua hầu hết các Hợp tác xã trong các lĩnh vực đều gặp khó khăn do Hợp tác xã khó mua nguyên liệu đầu vào, thị trường đầu ra bị thu hẹp, giảm đơn hàng, giảm sản lượng; các khâu trung gian, vận chuyển đều gặp khó khăn…

Trong lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực có số lượng đơn vị thành viên đông nhất (có 1.337 Hợp tác xã nông nghiệp), các Hợp tác xã cũng gặp khó khăn trong việc cung cấp, tiêu thụ sản phẩm như rau, củ, quả... do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, chi phí cước vận chuyển tăng, giá đầu vào tăng. 

Hoạt động kinh doanh dịch vụ của các tổ chức kinh tế tập thể thuộc lĩnh vực nông nghiệp cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất của các hộ thành viên. Các Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, hệ thống chuồng trại tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho Hợp tác xã.

Đồng thời tham gia, xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, lưu thông và phân phối, xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Nhiều Hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi giá trị, đảm bảo cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định, áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất Vietgap, hữu cơ, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu tập thể.

Tuy nhiên, do sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ, giá cả các sản phẩm đầu ra không ổn định, ảnh hưởng của thiên tai dịch bệnh, một số thành viên đã bỏ ruộng để chuyển sang làm dịch vụ khác ngày càng nhiều nên hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã đến kinh tế của các thành viên không cao. 

Số Hợp tác xã hạn chế trong việc mở rộng liên kết với các tổ chức cá nhân để đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, hàng hóa còn nhiều, thu nhập của thành viên, người lao động làm việc thường xuyên trong khu vực nông nghiệp còn thấp.

Vì vậy, để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, các Hợp tác xã cũng đã đẩy mạnh các phong trào thi đua như "Năng suất cao, chất lượng tốt", phong trào trồng cây Khoai tây đông, phong trào thanh toán và thu hồi nợ đọng sản phẩm... Thông qua các phong trào thi đua hoạt động của các Hợp tác xã vẫn được duy trì. 

Việc cung cấp dịch vụ cho thành viên được kịp thời, nhiều Hợp tác xã cung ứng, tiêu thụ sản phẩm lương thực, thực phẩm, hàng chế biến đang thể hiện rõ vai trò của mình trong chuỗi cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh. 

Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện giãn cách trên địa bàn Thành phố, HĐQT các Hợp tác xã đã chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch nhưng vẫn đảm bảo được việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho thành viên và người dân. Một số Hợp tác xã còn cử người làm thay các hoạt động cho một số hộ thành viên bị cách ly để đảm bảo kịp thời vụ.

Đối với Hợp tác xã phi nông nghiệp là khối Hợp tác xã có nhiều lĩnh vực, ngành nghề như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, vận tải, xây dựng, nhà ở, trường học… đây cũng là khối bị tác động nhiều bởi đại dịch COVID- 19. 

Tuy nhiên, các Hợp tác xã trong lĩnh vực này rất nhạy bén trong việc chuyển đối để phù hợp với tình hình, đã chuyển đổi từ giao dịch trực tiếp sang giao dịch online, hàng hóa, kho vận theo hướng tập trung, chuyên sâu. Hợp tác, liên doanh, liên kết để hình thành nên các chuỗi cung ứng đủ mạnh, bền vững để không bị đứt gãy lúc khó khăn. 

Cùng với đó là phát huy nội lực để duy trì và thực hiện các giải pháp dài hơi để vượt qua dịch bệnh. Đây cũng là dịp để các Hợp tác xã tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển.

Kinh tế tập thể- Thích ứng an toàn, sản xuất hiệu quả - Ảnh 2.

Các Hợp tác xã nông nghiệp duy trì sản xuất, cung ứng sản phẩm sạch, an toàn cho thị trường. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Hiệu quả của liên kết chuỗi

Ngoài ra, với quỹ tín dụng nhân dân, năm 2021, để phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra, các quỹ tín dụng nhân dân đã phát động các phong trào thi đua như: "Quỹ tín dụng Nguyễn Trãi đoàn kết chung sức thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19", "An toàn, hiệu quả, phát triển mang tính bền vững", phong trào "Sáng tạo và thực tiễn, mẫn cán và tinh thần đồng đội, trách nhiệm cộng đồng"… 

Mặc dù, dịch COVID- 19 đã ảnh hưởng đến tất cả các mặt của đời sống, nhưng đa số các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn Thành phố hoạt động ổn định; có giải pháp đảm bảo hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Trong đó nâng cao tính tương trợ, liên kết giữa các thành viên; tập trung vào mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cải thiện đời sống của thành viên, phục vụ cộng đồng trên địa bàn. 

Đặc biệt, các quỹ tín dụng nhân dân đã thực hiện cơ cấu nợ, giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với khách hàng; tiếp tục hoàn thiện cơ cấu, bộ máy quản trị điều hành, đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, đa dạng hóa và hiện đại hóa các sản phẩm, dịch vụ để phục vụ tốt hơn cho các thành viên.

Theo ông Đỗ Huy Chiến, cùng với việc duy trì sản xuất tại các hợp tác xã, hoạt động xúc tiến thương mại cũng được đẩy mạnh. Liên minh Hợp tác xã thành phố đã nắm tình hình hoạt động các Hợp tác xã gắn với "chuỗi" giá trị sản xuất, kinh doanh theo hướng chất lượng, an toàn, hiệu quả bền vững. 

Đồng thời tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, nắm bắt các đơn vị có nhu cầu kết nối, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm đối tác; tổ chức 6 hội nghị xúc tiến thương mại cho các Hợp tác xã năm 2021. 

Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại như: Tham gia diễn đàn, hội nghị xúc tiến thương mại giữa các tỉnh Bắc-Trung bộ năm 2021 tại Hà Tĩnh, hội nghị thương mại điện tử quốc tế B2B Alibaba.com 2021..; hỗ trợ các Hợp tác xã đơn vị thành viên có nhu cầu kết nối tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng đại lý phân phối như: Hợp tác xã đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì, Hợp tác xã tinh bột nghệ và tinh dầu Bà Bé, Hợp tác xã hương làng nghề Xà Cầu.... 

Ngoài ra một số Hợp tác xã đã đạt tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn được xác nhận như: Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Viên Sơn, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Yên Mỹ...

Như vậy, có thể thấy đến nay đã có nhiều Hợp tác xã tham gia xây dựng, duy trì chuỗi sản phẩm hàng hóa, tập trung chủ yếu ở khâu sản xuất. Các Hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị không những nâng cao năng lực quản lý cho hội đồng quản trị mà còn giúp các thành viên Hợp tác xã yên tâm sản xuất bởi đã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, giúp gia tăng từ 10%-20% giá trị sản phẩm. Đồng thời tạo việc làm và thu nhập bình quân cho người lao động cho người lao động đạt từ 4-6 triệu đồng/tháng.

Thiện Tâm

Top