Kinh tế Thủ đô 8 tháng - Nỗ lực vượt khó

04/09/2021 10:38 AM

(Chinhphu.vn) - Nhờ chủ động triển khai các giải pháp cấp bách kiểm soát dịch COVID-19 và tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Thủ đô Hà Nội trong tám tháng qua đã ghi nhận nhiều tín hiệu vui trong phát triển và cả những khó khăn nảy sinh do giãn cách và cách ly xã hội trên địa bàn Hà Nội từ ngày 24/7/2021 đến nay, với những điểm nhấn nổi bật.

Ảnh minh họa

Sản xuất công nghiệp tiếp tục được duy trì khá tốt và bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19

Tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; Một số ngành công nghiệp có chỉ số IIP đạt mức tăng cao, như: Sản xuất xe có động cơ tăng 21,6%; trang phục tăng 18,2%; đồ uống tăng 16,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 10,9%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,5%; sản xuất điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8%. Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện Thành phố có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng số 4.169 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, tổng số lao động khoảng 62 nghìn người; có 18 cụm công nghiệp tập trung, thu hút khoảng 1.500 doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn; còn lại là cụm công nghiệp làng nghề với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, các doanh nghiệp và hộ sản xuất cá thể. Hiện hầu hết các doanh nghiệp đều nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, trong đó, có 1.077 doanh nghiệp quy mô lớn có Phương án phòng chống dịch COVID-19 được Thành phố phê duyệt.

Vốn đầu tư xã hội tiếp tục tăng, thị trường tài chính ổn định, lạm phát thấp, cân đối NSNN được đảm bảo

Tính chung 8 tháng năm 2021, vốn đầu tư từ NSNN thực hiện đạt 27,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước và bằng 54% kế hoạch năm.

Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện đạt 70,3% dự toán Trung ương giao (đạt 65,9% dự toán Thành phố giao) và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2020; Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện đạt 37,0% dự toán và bằng 93,0% cùng kỳ năm trước.

 Tính đến cuối tháng 8, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố ước tính tăng 9,2% và tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố tăng 8,3% so với thời điểm kết thúc năm 2020; Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 57.700 khách hàng, với dư nợ 74,9 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 178.100 khách hàng với dư nợ 254,2 nghìn tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi, với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 965,5 nghìn tỷ đồng cho hơn 97.700 lượt khách hàng.​

Tính đến hết tháng 7/2021, trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán (HNX và Upcom) do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 1.263 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, trong đó HNX có 360 doanh nghiệp và Upcom có 903 doanh nghiệp. Giá trị niêm yết trên cả hai sàn tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó HNX đạt 154 nghìn tỷ đồng, tăng 11%; Upcom đạt 388 nghìn tỷ đồng, giảm 1,3%. Giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt 1.543 nghìn tỷ đồng, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó HNX đạt 415 nghìn tỷ đồng, tăng 112%; Upcom đạt 1.128 nghìn tỷ đồng, tăng 43,8%. Khối lượng giao dịch cổ phiếu niêm yết (HNX) đạt 2.632 triệu CP được chuyển nhượng, tăng gấp 1,8 lần cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch đạt 61 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 5,3 lần.

Lũy kế 8 tháng năm 2021, toàn Thành phố thu hút 841,8 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 243 dự án với số vốn đạt 157,3 triệu USD; 91 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 486,8 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 309 lượt, đạt 145,6 triệu USD.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,77% so với tháng trước, tăng 2,94% so với tháng 12/2020 và tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 1,49% so cùng kỳ năm 2020, hứa hẹn Hà Nội sẽ góp phần cùng cả nước duy trì mức lạm phát theo mục tiêu chung cho cả năm 2021.

Cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ gặp nhiều khó khăn, sức mua thị trường giảm và nhập siêu lớn

So với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới trên địa bàn  Hà Nội giảm 7%, chỉ đạt 16,6 nghìn doanh nghiệp với vốn đăng ký giảm 7%. Số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể là 2.200, tăng 36%; ngoài ra, có 9.300 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 19%;

Tuy nhiên, trên địa bàn cũng có tới 7.400 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 72%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

 Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 349,5 nghìn tỷ đồng, giảm 6,3%.

Tính chung 8 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 9.785 triệu USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5.476 triệu USD, giảm 15,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4.309 triệu USD, tăng 13,3%. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 22,5 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 17,6 tỷ USD, tăng 22,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4,9 tỷ USD, tăng 17,7%. Cân đối nhập siêu tới gần 13 tỷ USD, tức cao hơn cả mức kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn.

Các doanh nghiệp dịch vụ, nhất là du lịch và vận tải tiếp tục gặp khó: Tính chung 8 tháng, số lượt hành khách vận chuyển giảm 2,3%; doanh thu giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 0,9%; khối lượng hàng hóa luân chuyển tấn/km tăng 0,1%; doanh thu tăng 0,5%.

Lượng khách quốc tế đến Hà Nội ước giảm 83,3% và khách trong nước giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác an sinh xã hội được coi trọng

Thành phố đã chủ động đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và đa dạng các hình thức bán hàng phục vụ nhân dân, không để xảy ra tình trạng tăng giá và khan hiếm hàng hóa. Các quận, huyện, thị xã đã xây dựng Phương án tổ chức triển khai điểm bán hàng lưu động trong tình huống dịch COVID-19 phức tạp, sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động đã bố trí. Đến nay đã có 09 quận tổ chức 45 điểm bán hàng lưu động, 63 điểm bán hàng dã chiến phục vụ nhân dân do trên địa bàn có chợ hoặc cơ sở kinh doanh phải đóng cửa vì xuất hiện ca mắc COVID-19. Tại khu vực bị cách ly, phong tỏa, các quận, huyện, thị xã đã bố trí Tổ Covid cộng đồng cùng các lực lượng liên quan có nhiệm vụ cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất.

Thành phố đã thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông danh sách 103 siêu thị tổng hợp, 449 chợ cung cấp lương thực, thực phẩm, 8.355 điểm bán hàng bình ổn giá (tăng gấp 7 lần so với hàng năm triển khai Chương trình bình ổn thị trường). Thành phố cũng đã tổ chức 05 chương trình “Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng” để hỗ trợ người nghèo, công nhân lao động trên địa bàn, dự kiến tiếp tục mở thêm 18 điểm trong thời gian tới; cấp mã QR code đăng ký “Luồng xanh” cho 2.192 ô tô và 9.822 xe mô tô, xe hai bánh phục vụ giao nhận hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp thương mại điện tử.

Tính chung, toàn TP. Hà Nội đã có trên 1,8 triệu lượt người dân bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và đã nhận được hỗ trợ gần 670 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thành phố cũng triển khai hỗ trợ một số nước bạn trong phòng, chống dịch; hỗ trợ bằng tiền mặt, trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm và nhân lực y tế cho các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phố phía nam.

Triển vọng kinh tế cả năm 2021

Xác định những tháng cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã dự báo và xây dựng các kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm để chỉ đạo, điều hành phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất so với Kế hoạch năm 2021. Cụ thể: Kịch bản 1 (kịch bản điều hành): Tăng trưởng Quý III đạt 8,59%, Quý IV đạt 9,12% và dự báo cả năm đạt 7,5%. Kịch bản 2: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Quý III mới kiểm soát được dịch, các ngành dịch vụ vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, phục hồi chậm. GRDP cả năm 2021 dự kiến đạt 6,5-7,0%. Trong bối cảnh kinh tế cả nước năm 2021 có thể chỉ tăng 4,8% GDP như dự báo mới nhất của WB (trong Báo cáo điểm lại tháng 8/2021 "Việt Nam số hóa: Con đường đến tương lai, tức thấp hơn 2% so với dự báo đưa ra vào tháng 12/2020), thì đây là những kịch bản thể hiện nỗ lực và trách nhiệm cao của TP Hà Nọi trong đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2021.

Để duy trì và tăng tốc phục hồi kinh tế hiệu quả, UBND Thành phố đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung xây dựng kịch bản và giải pháp tăng trưởng của từng đơn vị theo cấp độ, diễn biến của dịch COVID-19; chú trọng phát triển các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, như công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải… Đồng thời, cân đối nguồn lực để ưu tiên đầu tư phát triển các lĩnh vực trọng tâm; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, kiểm tra, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án khởi công mới trong năm 2021, nhất là các dự án, công trình giao thông trọng điểm; bảo đảm tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp theo kế hoạch... Trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, công nhân tại các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô vẫn khẩn trương thi công, vừa đẩy nhanh tiến độ, vừa siết chặt phòng dịch.

 Các đơn vị tập trung tăng thu ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu - cơ cấu nguồn thu ngân sách thành phố theo hướng hiệu quả, bền vững. Giảm tỷ trọng chi thường xuyên để dành nguồn chi đầu tư phát triển, dành nguồn lực cho phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tập trung sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh tái đàn, tăng cường các biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm 2021; tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19…

TS.Nguyễn Minh Phong

Top